Người giàu ở nước ta bây giờ nhiều lắm, nhưng giàu từ việc sản xuất nông nghiệp xem ra chưa nhiều, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ấy vậy mà, ngay sát với nước bạn Campuchia, làng “đại gia” xuất hiện ngày một nhiều, danh sách những “đại gia chân đất” ngày càng dày thêm.
“Đại gia” nông dân
Từ thị trấn Chư Ty, men theo những con đường đất đỏ bazan đặc trưng xứ núi Tây Nguyên, chúng tôi đến làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Lạ thật, ở một nơi mà “gà nước này gáy, nước kia thức giấc”, lại có một ngôi làng sầm uất với hàng hàng, lớp lớp những ngôi nhà xây kiến trúc hiện đại, xe máy “xịn”, rồi cả xe hơi lưu thông tấp nập. Tiếp chúng tôi là thiếu tá Lê Tấn Lực, Đội phó Đội 711 (Công ty 72, Binh đoàn 15). Nghe chúng tôi đề cập đến chuyện làm giàu và chuyện ăn tết của bà con, anh “chào” luôn bằng một câu hỏi “choáng”: “Thế nhà báo muốn gặp hộ gia đình như thế nào, thu nhập một hay vài trăm triệu đồng? Muốn thế nào cũng có!”. Rồi anh nheo mắt cười: “Bây giờ đời sống khá giả, bà con mua sắm và chơi tết cũng hoành tráng lắm. Cứ theo tôi, nhà báo sẽ tin ngay thôi!”.
Thiếu tá Lê Tấn Lực dẫn chúng tôi đến nhà anh Siu Nel (dân tộc Jrai), năm nay vừa ngấp nghé tuổi 30. Trong căn nhà rộng được xây dựng khang trang, Siu Nel đon đả rót nước mời khách. Trước nhà, vợ anh đang lúi húi cắt tỉa bụi hoa giấy đỏ rực, trong khi hai đứa con nhỏ của anh chị háo hức ướm thử những chiếc áo mới. Trong câu chuyện với chúng tôi, Siu Nel luôn nói về sự đổi đời của mình bằng tâm trạng phấn khởi: “Từ khi vào làm công nhân cao su, đời sống gia đình khá hơn, con cái ăn học đầy đủ hơn. Mỗi tháng mình nhận lương được hơn 6 triệu đồng, trồng thêm cây khoai mì, mỗi năm thu hoạch được 75 triệu đồng. Chưa kể tiền vượt sản lượng, tiền thưởng các dịp lễ tết... Nói chung không phải lo gì nữa rồi”.
Nhớ lại những ngày cơ cực, Siu Nel không bao giờ dám nghĩ gia đình mình có được cuộc sống như ngày hôm nay. Trước đây, nguồn sống của cả gia đình anh chỉ trông chờ vào 1,5ha đất rẫy. Làm việc quần quật, hết trồng bắp rồi đến trồng mì nhưng vẫn đói. Rồi Nel lấy vợ, sinh con, cuộc sống càng thêm túng bấn. Nhưng nghèo đói lùi dần kể từ khi Nel được nhận vào làm công nhân Công ty 72. Tiền lương hơn 6 triệu đồng/tháng, rồi tiền thưởng các dịp lễ, tết, tiền vượt sản lượng..., lên đến vài chục triệu đồng mỗi năm giúp gia đình Siu Nel có của ăn, của để. Có tiền, Nel xây nhà đẹp, mua xe máy, ti vi, tủ lạnh, đầu tư vào ruộng vườn... Ở làng Chan, Siu Nel được liệt vào hàng “đại gia” với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cũng như nhiều gia đình khác ở làng Boong, xã Ia Dưk (huyện Đức Cơ), kể từ khi vào làm công nhân Công ty Cao su 75 (Binh đoàn 15), gia đình anh Brao đã “phất” lên trông thấy. Với sự tận tình giúp đỡ của bộ đội và sự nhạy bén trong sản xuất, Brao đã phát triển được mô hình kinh tế trang trại với hơn 20ha cao su, cà phê, điều…, thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Không chỉ là công nhân giỏi, cán bộ giỏi, Brao giờ đây còn được mệnh danh là tỷ phú và là người đầu tiên ở làng Boong mua két sắt về đựng tiền.
Anh tâm sự: “Ngày trước có ai nghĩ, vào công nhân để làm giàu, để xây nhà lầu và mua xe máy đắt tiền đi làm đâu, bởi đời sống của bà con mình nghèo khó quá, cộng với nhiều hủ tục lạc hậu ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân, nên làm việc gì, trồng cây gì cũng sợ Yang phạt. Nay thì khác rồi, nhờ làm công nhân, có bộ đội chỉ bảo cách làm ăn, đời sống bà con mình ổn định rồi, trong làng toàn nhà xây, nhà nào cũng có xe máy”.
Ở vùng biên Đức Cơ này, những “đại gia” trẻ tuổi như vợ chồng Siu Nel, Brao nhiều đến nỗi không thể đếm hết trên hai bàn tay như: gia đình Rơ Mah Bơm, Siu H’Biên, Rơ Lan Diên, Ksor Găn (làng Chan, xã Ia Pnôn), Rơ Mah The, Rơ Mah Tok và Rơ Mah H’Phí (làng Boong, xã Ia Dưk)...
Tết ấm cúng
Uống một hơi rượu cần sảng khoái, ông Rơ Mah Chiu, già làng Boong (xã Ia Dưk) mở đầu câu chuyện: “Trước đây, bà con mình khổ lắm, hạt gạo còn không đủ ăn nói gì đến rượu thịt, quần áo mới ngày tết. Giờ thì khác rồi, lễ mừng lúa mới hay Tết Nguyên đán của người Kinh, bà con đều tổ chức đốt lửa nhảy múa, ăn uống vui chơi cả mấy ngày, trẻ em xúng xính quần áo mới...”, vừa nói ông vừa chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà mới được xây dựng cao ráo, sạch đẹp. “Trong 150 hộ đã có hơn 100 hộ khá, ngoài khai thác cao su, cà phê, mấy năm gần đây, hạt điều cũng là nguồn thu nhập lớn của bà con mình. Không như trồng cà phê, cao su, trồng điều đơn giản hơn nhiều, ít chăm bón nhưng hiệu quả rất cao, một hécta mỗi năm thu được từ 40 đến 60 triệu đồng”, già làng Rơ Mah Chiu hồ hởi khoe.
Để có được kết quả này, những cán bộ ở các công ty cao su thuộc Binh đoàn 15 đã không quản ngại cùng đồng bào dân tộc thiểu số chia sẻ khó khăn, tận tình hướng dẫn để bà con tiếp cận dần với khoa học kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất. Đồng thời, các đơn vị cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng cho các công trình phúc lợi trên địa bàn như: đường điện, giao thông, trường học..., góp phần nâng cao nhận thức người dân, xóa dần thói quen, tập tục lạc hậu.
Đại tá Võ Phước Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 72 cho biết: Toàn công ty có gần 3.000 lao động, trong đó có 724 hộ là người dân tộc thiểu số bản địa. Thu nhập bình quân mỗi tháng trên 6,5 triệu đồng, cá biệt có nhiều công nhân thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc giúp bà con trồng, chăm sóc khai thác cao su, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ của công ty còn giúp bà con tăng gia cà phê, mì, lúa nước… Ngoài ra, đời sống tinh thần của bà con được công ty quan tâm chu đáo, ngày lễ, tết trong năm đều có thưởng, tổ chức vui chơi, thăm hỏi. Tết Nguyên đán bây giờ không chỉ của người Kinh, bà con dân tộc thiểu số cũng có quà, heo, rượu, gạo, nếp, tổ chức ăn tết sớm ở các làng từ ngày 25 - 28 tháng chạp. Năm nay, mỗi công nhân đều được thưởng ít nhất 2 tháng lương...
Có lẽ chỉ chừng ấy cũng đủ thấy sự ấm no, đủ đầy ở vùng đất này, cứ như tiếng cười hồ hởi, giòn tan của cô bé Siu H’Nay, 9 tuổi trú tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ): “Học kỳ vừa rồi cháu được học sinh tiên tiến, mẹ cháu hứa sau khi thu hái cà phê xong sẽ mua cho cháu chiếc xe đạp”.
Mang theo những ánh mắt sáng của người dân nơi đây, chúng tôi tạm biệt vùng biên giới trong sắc vàng rực của làn hoa dã quỳ. Một mùa xuân ấm cúng nữa sắp bắt đầu ở miền biên viễn.
Bài và ảnh: ĐỨC TRUNG