Xuất bản vẫn cần thuốc “đặc trị”

 Vấn nạn sách lậu, bị đối tác liên kết chi phối, không kiểm soát được các quy trình liên kết xuất bản... vẫn xảy ra khiến người làm sách tiếp tục đối mặt với nhiều lo lắng.
Người làm sách chờ đợi môi trường xuất bản lành mạnh
Người làm sách chờ đợi môi trường xuất bản lành mạnh
Cùng với việc nhiều nhà xuất bản chủ động khai thác, xuất bản nhiều ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội của đất nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhiều đối tượng bạn đọc, năm 2017 Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục XB) cũng đã phát hiện và xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm, xử phạt hành chính hơn 700 triệu đồng. Vấn nạn sách lậu, bị đối tác liên kết chi phối, không kiểm soát được các quy trình liên kết xuất bản... vẫn xảy ra khiến người làm sách tiếp tục đối mặt với nhiều lo lắng.
Bất an về bản quyền
Theo thống kê của Cục XB, năm 2017, các nhà xuất bản đã nộp lưu chiểu 26.333 xuất bản phẩm với 312.894.874 bản, trong đó sách in 25.431 cuốn với 293.191.225 bản; sách điện tử 137 xuất bản phẩm…  Song một trong những hạn chế tồn tại lâu mà chưa tìm được giải pháp rốt ráo chính là việc vi phạm bản quyền của các xuất bản phẩm. Nhiều vi phạm không chỉ dừng lại ở việc trùng lặp về nội dung mà còn giống nhau cả tên tác giả, tác phẩm. Hiện tượng 2 cuốn sách từ 2 đơn vị xuất bản khác nhau cùng xuất hiện trên kệ sách không hiếm. Lý do là trong khi chưa dứt hợp đồng với đơn vị kia thì tác giả lại tiếp tục bán bản quyền cho đơn vị nọ. Ngay cả chuyện các tác giả đạo văn của chính mình cùng không hy hữu. Thậm chí còn có trường hợp tác giả xào lại chính các tác phẩm của mình rồi bán lại bản quyền xuất bản cho các NXB… Nhiều đơn vị làm sách vẫn đang “ngậm trái đắng” khi nạn vi phạm bản quyền tiếp tục hoành hành. 
Trước thực trạng này, có đơn vị xuất bản đã chuyển sang làm sách nước ngoài vốn chuyên nghiệp về quyền tác giả, đồng thời thận trọng hơn với các tác giả Việt. 
Không chỉ sách in, các NXB, nhà sách còn phải đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan của những cuốn sách điện tử trên Internet. Chỉ cần vài cái click chuột qua một số trang web, diễn đàn đã có thể tìm được ngay những cuốn sách “hot” trên thị trường sách hiện nay. Người yêu sách cứ vô tư đọc, vô tư tải về, mà không cần quan tâm đến công sức của nhà văn hay sự lỗ lãi của các NXB.
Chia sẻ với việc các đơn vị xuất bản tự loay hoay chống đỡ, Hội Xuất bản Việt Nam từng đưa ra giải pháp đề nghị các đơn vị xuất bản, phát hành sách chung tay, phối hợp đấu tranh chống lại tệ nạn sao chép tác phẩm, sách có bản quyền trái phép. Cụ thể, các đơn vị sẽ phối hợp với nhau chia sẻ rộng rãi các trường hợp vi phạm trên Facebook, website… Song căn bệnh cố hữu ấy của xuất bản dường như vẫn cần những giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn để không còn xử lý sách lậu theo kiểm “bắt cóc bỏ đĩa” đã bao năm. 
Nói không với bán giấy phép xuất bản
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc duy trì được số lượng sách xuất bản trung bình 3 cuốn/người/năm là một tín hiệu tốt trong giai đoạn sách điện tử đang dần trỗi dậy. Tuy nhiên, cùng với việc này thì số vụ việc như đăng ký xuất bản sai thể loại; tóm tắt nội dung không rõ hoặc nội dung thông tin không chính xác… vẫn xảy ra. Một số cuốn sách không chỉ sai về nội dung mà còn sai thể loại so với đăng ký xuất bản. Sở dĩ có hiện tượng này là do một số nhà xuất bản đăng ký xuất bản khi chưa có bản thảo hoặc có chưa đọc bản thảo nên đã điền thông tin không đầy đủ, không chính xác. Năm qua, thậm chí có cuốn sách đã được tái bản nhiều lần nhưng vẫn để xảy ra sai phạm, như “Miếng ngon Hà Nội” - tác giả Vũ Bằng…, hay có những cuốn vẫn còn những lỗi sai sót về câu chữ, nội dung và ảnh minh họa không phù hợp; chưa nộp lưu chiểu đã phát hành…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trên là do tình trạng biến tướng trong liên kết xuất bản, hiện tượng “bán giấy phép xuất bản” tồn tại ngầm lâu nay mà chưa được xử lý quyết liệt. Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa cho biết, năm 2017 cục đã phát hiện và xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó nhiều sai phạm đến từ hoạt động liên kết. Tuy nhiên, mức xử phạt như hiện tại được cho là chưa đủ răn đe sai phạm, số tiền phạt nhỏ hơn nhiều so với lợi nhuận thu được, nên một số đơn vị thậm chí cố tình làm sai và tái phạm nhiều lần.
Yêu cầu đối với ngành xuất bản là tập chung nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quản lý chặt chẽ hơn quy trình liên kết, kiên quyết nói không với tình trạng “bán giấy phép”… đã được đặt ra nhiều năm, song tới tận thời điểm này, những người làm sách vẫn chờ đợi ở một liều thuốc đặc trị hiệu quả để có thể tìm lại được môi trường xuất bản lành mạnh.

Tin cùng chuyên mục