Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức) năm 2013 đã kết thúc với sự tham dự của hơn 7.300 đơn vị xuất bản đến từ trên 100 quốc gia. Chính thức tham gia hội sách này từ năm 2007, năm 2013 lần đầu tiên Việt Nam mới thực sự gây được ấn tượng với giới xuất bản thế giới.
Từ 12m² đến 24m²
Năm nay gian hàng của Việt Nam có sự chung tay thực hiện của nhiều đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm trong nước. Tổng công ty Phát hành sách TPHCM (Fahasa) chịu trách nhiệm về công tác tổ chức đoàn xuất bản đi sang Đức, vận động kinh phí, Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam (Phương Nam Book) thực hiện gian hàng, trang trí và cả nhân lực trực quầy hàng; NXB Trẻ phụ trách phần kêu gọi các đơn vị xuất bản gửi sách tham dự. Kinh phí cũng do các đơn vị xuất bản đóng góp với những cái tên nổi bật của làng sách như: Fahasa, Phương Nam, Đại Trường Phát, NXB Trẻ, Đông A, NXB Tổng hợp TPHCM, Trí Việt, Công ty in Thống Nhất, Việt Book, Phương Đông, Tri Thức, Thái Thịnh.
Nhờ sự chung tay góp sức đó, gian hàng giới thiệu sách của Việt Nam tại Hội sách Frankfurt năm nay rộng gấp đôi so với mọi năm với 24m², được chia làm hai gian dành cho sách giấy và sách điện tử. Riêng gian hàng sách giấy, số lượng ấn bản giới thiệu lên đến 1.000 bản. Phần ngôn ngữ cũng được chú ý hơn khi các ấn phẩm đều có bản chuyển ngữ như tiếng Anh, Đức, Pháp hoặc nếu không cũng có bản tóm tắt, giới thiệu cho từng cuốn.
Việc trưng bày và tổ chức gian hàng được đánh giá chuyên nghiệp hơn hẳn mọi năm. Nhân viên đều có trình độ ngoại ngữ tốt với trang phục truyền thống (áo dài, nón lá), ngoài ra còn có cả những đặc sản trong nước như chè xanh, kẹo, mứt… tạo ấn tượng mới lạ cho bạn bè đến xem sách. Một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản có nhiều năm tham dự Hội sách Frankfurt nhận xét: “Gian hàng Việt Nam năm nay khá nhất từ trước đến nay”.
Và 100m²...
Gần sát gian hàng sách Việt là các gian trưng bày sách của Thái Lan và Malaysia với kích thước mỗi gian đều trên 100m². Sách của họ cũng không có chỗ nào nổi trội so với sách Việt Nam về kỹ thuật (trình bày, chất lượng in ấn…), về giá trị nội dung cũng không có những tác phẩm thực sự nổi trội, nổi bật đáng để chú ý.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, lý do để họ có thể làm lớn đến như thế chính là vì quan điểm các quốc gia đó đối với hoạt động văn hóa như ở Hội sách Frankfurt. Họ xem việc đó không chỉ là chuyện kinh doanh vài ba cuốn sách mà là bộ mặt văn hóa của một đất nước. Thông qua sự xuất hiện đầy mạnh mẽ, giới thiệu sản phẩm văn hóa sách, họ mang đến bạn bè năm châu một thông điệp về sự phát triển của văn hóa đọc của quốc gia họ. Họ xem hội sách lớn nhất thế giới như là một hoạt động đối ngoại, góp phần làm tăng vị thế của quốc gia mình.
Không những thế, với những dấu ấn đó, những người làm sách của Thái Lan hay Malaysia sẽ tự tin hơn khi thương thảo bản quyền với các đối tác quốc tế, một điều mà các đơn vị xuất bản Việt Nam đang rất thiếu khi tiến ra thế giới.
Nỗi niềm sau hội sách
Việc tham dự Hội sách quốc tế Frankfurt 2013 cũng được xem là một nỗ lực về tổ chức của ngành xuất bản trong nước. Thế nhưng, ngay sau khi kết thúc hội sách lại là những lo lắng, liệu hội sách kỳ sau có thể đạt được như thế không?
Nỗi lo này không phải ngẫu nhiên, nguồn lực có được để tổ chức gian hàng lần này thuần túy dựa trên sự vận động, kêu gọi. Tham dự hoạt động chuyên nghiệp mà chỉ dựa trên tấm lòng, trên sự nhiệt tình của một vài đơn vị thì không phải là một biện pháp căn cơ. Điều này có thể thấy rõ qua số lượng các đơn vị đóng góp, tham dự. Cả nước có khoảng hơn 60 NXB cùng hàng trăm đơn vị kinh doanh sách, ấy thế mà tham dự hội sách lớn nhất thế giới chỉ có vỏn vẹn vài NXB và 10 đơn vị kinh doanh sách, in ấn, phát hành. Thậm chí, rất nhiều NXB khi nhận được công văn đề nghị gửi sách để đoàn mang qua quảng bá còn không phản hồi, không quan tâm.
Nhiều năm qua, nhà nước đã khuyến khích việc xuất khẩu văn hóa mà tiêu biểu là sách Việt Nam ra bên ngoài để bạn bè thế giới hiểu hơn về con người, đất nước Việt Nam. Nhiều hội thảo, tọa đàm đã diễn ra, nhiều đề xuất được nêu lên. Thế nhưng, một chính sách thực sự để khuyến khích quảng bá sách ra quốc tế lại chưa có. Đã đến lúc cần có những cơ chế, chính sách nhất quán về vấn đề này để ít nhất ở những hội sách quốc tế, những hoạt động văn hóa mang tính đối ngoại như tại Frankfurt vừa qua, xuất bản Việt Nam thực sự đủ tự tin đối mặt với bạn bè, đối tác quốc tế.
TƯỜNG VY