Ngành xuất khẩu đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như thiếu đơn hàng do thị trường tiêu thụ đang bị co lại, giá nhiều mặt hàng giảm, thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến trong thực tế. Đây là những vấn đề “nóng” được đặt ra tại hội nghị giao ban xuất khẩu 6 tháng đầu năm do Bộ Công thương tổ chức tại TPHCM ngày 17-7.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, 6 tháng đầu năm 2012, sức mua tại nhiều thị trường suy giảm, khả năng thanh toán giảm, dẫn đến các DN bị thiếu các đơn hàng dài hạn. Nếu trước đây DN có đơn hàng cho 6 tháng hoặc 1 năm thì nay DN rơi vào tình trạng “ăn đong” trong 3 tháng, thậm chí là 1 tháng.
Do bấp bênh về đơn hàng nên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN rơi vào thế bị động, không điều tiết được thị trường cũng như về giá. Trừ mặt hàng nhiên liệu khoáng sản có tăng giá so với cùng kỳ 2011, giá hồ tiêu cũng tăng liên tục từ năm 2008 đến nay, hầu hết các mặt hàng còn lại đều giảm: cao su giảm 31,3%; nhân điều giảm 10,4%; gạo giảm 6,6%; cà phê giảm 4,4%… Chỉ tính riêng mặt hàng nông sản, do giảm giá xuất khẩu nên đã làm giảm hơn 900 triệu USD. Xu hướng bảo hộ thương mại thông qua các hàng rào kỹ thuật ngày càng nhiều, khắt khe. Điển hình là thị trường Nhật Bản vừa đưa ra yêu cầu giảm lượng Ethoxyquin đối với mặt hàng tôm thấp hơn 10 lần so với EU…
Phát biểu tại hội nghị, nhiều nhận định cho rằng, chưa bao giờ DN khó khăn như hiện nay. Các DN bị kẹt trong “gọng kiềm” khi lãi suất cao, nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng liên tục trong khi đầu ra lại giảm. Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Tôn Hoa Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân chính và quan trọng nhất hiện nay là phải tiếp tục hạ lãi suất. Hiện lãi suất các khoản vay cũ đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm xuống dưới 15% nhưng theo ông Vũ, cần tiếp tục giảm thêm vài phần trăm nữa, may ra các DN mới có thể phục hồi trở lại.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, năm nay Chính phủ giao dư nợ cho vay bình quân là 18.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, VDB đã cho vay được khoảng 14.400 tỷ đồng, đạt hơn 80% kế hoạch, trong đó cơ cấu cho vay thủy sản chiếm 70%, tăng 11%, các ngành hàng khác chỉ cho vay nhỏ giọt như đồ gỗ, cà phê… Hiện ngân hàng đang rà soát lại các DN xuất khẩu và chờ cơ cấu chung để giãn nợ, khoanh nợ cho DN. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm VDB đưa ra 3.000 - 5.000 tỷ đồng cho các DN xuất khẩu, trong đó tập trung chủ yếu cho DN sản xuất và xuất khẩu ở 2 tỉnh Vĩnh Long và An Giang.
Ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN cho biết, đến nay đã có 20 tổ chức tín dụng (chiếm gần 90% thị phần hoạt động tín dụng) triển khai việc hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống 15% đến tất cả các chi nhánh ngân hàng. Hiện NHNN đang phối hợp với TPHCM và Hà Nội tổng hợp danh sách các DN khó khăn về vốn để tháo gỡ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, với những khó khăn hiện nay, việc hoàn thành 51% chỉ tiêu xuất khẩu còn lại không dễ dàng. Vì vậy, bộ sẽ tích cực cùng các bộ ngành tháo gỡ cho DN khó khăn về vốn, lãi suất, thuế… Chính phủ đang giao bộ thực hiện đề án tháo gỡ khó khăn cho DN nên những ý kiến này sẽ được đưa vào đề án để trình vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, các DN cũng cần nỗ lực trong cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để tránh rủi ro trong kinh doanh.
Thúy Hải