Xuất khẩu cá tra: Bị “ép” từ trong ra ngoài

Thiếu vốn
Xuất khẩu cá tra: Bị “ép” từ trong ra ngoài

Ngày 17- 4, tại buổi sơ kết xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ở TPHCM, các doanh nghiệp (DN) bức xúc trước việc bị thắt chặt tín dụng. Không ít DN buộc phải giảm giá xuất khẩu do đến kỳ đáo hạn ngân hàng trong khi nhu cầu các nơi có mức tăng khá, trừ châu Âu.

Người nuôi cá tra đang gặp khó khăn do giá cá giảm.

Người nuôi cá tra đang gặp khó khăn do giá cá giảm.

Thiếu vốn

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, với hơn 161.000 tấn cá tra xuất khẩu, kim ngạch trên 421 triệu USD, so với quý 1-2011, tăng 5,3% về lượng và tăng 12% giá. Giá xuất khẩu trung bình 2,61 USD/kg, tăng 6,1% so với giá bình quân cùng kỳ năm 2011 (2,46 USD/kg). Các thị trường đều tăng trưởng như Trung Quốc tăng trưởng mạnh với 93,5%, Mỹ tăng 47,9%. Thị trường khu vực Trung và Nam Mỹ như Brasil, Uruguay, Chile, Mexico… cũng tăng khá và nhiều triển vọng, ngoại trừ thị trường châu Âu giảm 12,8% do khủng hoảng nợ công.

Tuy nhiên, dù xuất khẩu khá tốt nhưng giá cá tra nguyên liệu từ cuối tháng 3 vừa qua đột ngột giảm từ 25.000 - 26.000 đồng/kg còn 23.000 đồng/kg, khiến người nuôi cá không dám đầu tư tiếp do giá thành cá tra cũng ở mức này. Trong khi đó, với vùng nguyên liệu sẵn có, chiếm khoảng 70% sản lượng nuôi, DN ưu tiên tiêu thụ trước nhưng do thiếu vốn nên DN chỉ mua cầm chừng, dẫn đến kéo giá nguyên liệu xuống thấp.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, kiêm Phó Chủ tịch VASEP, cho biết thêm: Giá cá nguyên liệu giảm đột ngột còn do bà con muốn bán lấy tiền ngay, trong khi một số DN thủy sản có nguy cơ vỡ nợ và ngân hàng siết chặt tín dụng, khiến lòng tin của nông dân với DN giảm xuống. Người nuôi chấp nhận bán rẻ hơn để lấy “tiền tươi” nên thị trường hình thành nhiều loại giá 23.000 đồng/kg, 24.000 đồng hoặc 24.5000 đồng/kg tùy theo hình thức thanh toán, trả nhanh hay trả chậm.

Vấn đề cốt lõi và bức xúc nhất của DN hiện nay là vốn. Do bị thắt chặt nguồn tín dụng, DN thiếu vốn trầm trọng nên không thể mua vào khi giá nguyên liệu giảm để dự trữ sản phẩm như trước đây chờ thị trường sôi động hơn từ tháng 6 trở đi. Do đó, các nhà nhập khẩu nắm được điểm yếu này nên đã ép giá, nhất là DN đến kỳ đáo hạn, phải chấp nhận bán giá thấp hơn để có vốn thanh toán nếu không muốn ngân hàng đưa vào diện báo động, không cho vay hoặc nâng lãi suất theo xếp hạng từng DN của ngân hàng. Vì vậy, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP cho rằng, việc ứng vốn cho DN và người nuôi hiện nay là hết sức cần thiết.

Cần ngân hàng vào cuộc

Điều đáng nói ở đây, việc nuôi, chế biến và xuất khẩu thời gian qua, cả người nuôi và DN đều không có lời bởi phần lớn đều phải vay vốn ngân hàng với lãi suất quá cao và kéo dài quá lâu. Với giá mua 23.000 đồng/kg, chỉ người nuôi giỏi mới hòa vốn. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước trong khu vực cùng xuất khẩu mặt hàng cá tra phi lê, buộc ngành nuôi và chế biến cá tra Việt Nam phải cơ cấu lại sản xuất. Trong đó, để tăng hiệu quả cạnh tranh, phải chuyển dần sang nuôi công nghiệp nhằm giảm giá thành nuôi cá.

Thực tế cho thấy, giá thành nuôi cá tra của các DN thường thấp hơn của bà con khoảng 10% - yếu tố quan trọng để cạnh tranh với các nước và giúp cho các bên đều có lợi. Theo ông Dương Ngọc Minh, nếu ngân hàng bắt tay cùng nằm trong chuỗi liên kết cung ứng giống, thức ăn, nuôi và chế biến, xuất khẩu sẽ giúp giảm đầu mối trung gian, từ đó giảm giá thành nguyên liệu đầu vào. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng thay vì ngân hàng đứng ngoài cuộc và chỉ biết thắt chặt nguồn tín dụng.

TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, sản lượng, doanh số xuất khẩu để đạt mục tiêu 2 tỷ USD xuất khẩu cá tra năm 2012 là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng hiệu quả ở các khâu từ nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Phải biết chăm chút hiệu quả, làm sao để bà con ít ra là lời chút ít hoặc hòa vốn chứ không phải là những con số lạnh lùng về xuất khẩu bao nhiêu.

Công Phiên

"Sản lượng xuất khẩu thủy sản năm 2012 có thể đạt 550.000 - 600.000 tấn với giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD. Mỹ vẫn là thị trường tốt nhất, nhưng cần phải đồng lòng xây dựng hình ảnh chất lượng sản phẩm cá tra VN, không phải cạnh tranh về giá và chạy theo số lượng. Xu hướng xuất khẩu sẽ tăng mạnh ở hai khối thị trường Nam Mỹ và châu Á, mở ra triển vọng cho ngành cá tra những năm tới"

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt


Chiều 17-4, theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, cá tra nguyên liệu đang rớt giá, đến nay chỉ còn 23.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi bị lỗ khoảng 1.000 đồng/kg trở lên. Điều bất hợp lý là sản lượng cá tra trong dân hiện nay không nhiều, chỉ khoảng 200.000 tấn; trong khi thị trường xuất khẩu cá tra vẫn giữ mức 2,9 - 3 USD/kg. Với giá này, các doanh nghiệp mua cá nguyên liệu phải trả 25.000 - 26.000 đồng/kg mới hợp lý.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, nguyên nhân dẫn đến giá cá giảm mạnh là do tâm lý người nuôi hoang mang khi thấy một số doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền cá. Vì thế nhiều hộ chấp nhận giảm giá bán cá xuống mức thấp để hy vọng lấy được tiền mặt ngay, không chịu bán thiếu như trước.

N.Duy

Tin cùng chuyên mục