Năm 2014, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 900 triệu USD so với kế hoạch đề ra, trong đó mặt hàng cá tra xuất đạt 1,77 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2013. Xuất khẩu cá tra tăng nhẹ và giá cả đang nhích lên là đáng mừng, thế nhưng nhiều doanh nghiệp kêu than khốn khó nếu như phải áp dụng ngay Nghị định 36/2014 (Nghị định 36) của Chính phủ về “nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” từ ngày 1-1-2015.
Xuất khẩu tăng, nhưng vẫn còn khó
Mấy ngày qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL “dọa” sẽ đóng cửa nhà máy nếu như thực hiện ngay một số quy định mới của Nghị định 36. Theo đó, tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra không vượt quá 10% và hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh. Quy định mới này nhằm nâng cao chất lượng cá tra Việt Nam trên thương trường quốc tế. đây là vấn đề vô cùng cần thiết, song các doanh nghiệp lại “thở dài” bởi chưa kịp “thăm dò” nhu cầu thị trường quốc tế có đồng ý hay không? Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam - SOUTHVINA (KCN Trà Nóc 2 - Cần Thơ) cho biết: “Thời gian qua, công ty chế biến sản phẩm cá tra hàm lượng ẩm 86%, bởi khách hàng đòi hỏi như vậy; nay đột ngột hạ xuống 83% thì giá thành sản phẩm sẽ tăng hơn 30% và khách hàng không đồng ý mua sẽ đẩy công ty vào con đường chết. Hàng ngàn tấn cá tồn kho chẳng biết xử lý ra sao, vì vậy công ty chỉ còn cách đóng cửa tạm ngưng hoạt động?”.
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL
Tại An Giang, Đồng Tháp… nhiều doanh nghiệp cũng “kêu la” về vấn đề trên. Theo Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, đa phần các doanh nghiệp đều đồng tình với sự ra đời của Nghị định 36. Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay về tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước không quá 83% thì giá bán phải tăng lên từ 3,4 - 3,6 USD/kg (tăng khoảng 1 USD/kg). Với giá này, hầu hết các nhà nhập khẩu không chấp nhận. “Chúng tôi đã có những giải thích, đàm phán với đối tác nước ngoài về vấn đề nâng chất lượng sản phẩm cá tra. Song khách hàng vẫn chưa chấp nhận việc tăng giá và sẵn sàng chuyển qua mua sản phẩm khác thay cho cá tra phi lê. Nếu khách hàng quay lưng thì làm sao doanh nghiệp bán được cá, khi đó nhà máy chỉ còn cách đóng cửa”, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, phân trần.
Loại bỏ doanh nghiệp yếu kém
Trước những khó khăn trên, các ngành chức năng ở ĐBSCL đã kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét trình Chính phủ cho lùi thời gian thực hiện Nghị định 36 chậm lại 1 năm, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển đổi quy trình chế biến và tiếp tục đàm phán với đối tác. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, vấn đề này Chính phủ đã đồng ý lùi đến ngày 31-12-2015. Song phải thấy rằng khi ban hành nghị định này thì Chính phủ đã cân nhắc rất nhiều và đưa ra các quy định cụ thể để toàn ngành nỗ lực thực hiện. Phải mạnh dạn thay đổi cách làm cũ dễ dãi, chưa phù hợp, để tiến tới chế biến các mặt hàng chất lượng nhằm tăng giá trị, nâng cao uy tín cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng: “Nếu áp dụng ngay Nghị định 36 thì thị trường châu Âu và Hoa Kỳ có thể chấp nhận được, bởi nơi đây luôn đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, trong khi một số nước ở Đông Âu, châu Á, châu Phi… lại có nhu cầu tiêu thụ khác nhau. Về cơ bản, từng thị trường có cách “ăn hàng” riêng, vì vậy nên linh động trong các quy định về tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là sản phẩm chế biến phải đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm và được thị trường đó chấp nhận”. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, lưu ý: “Thời gian qua, cá tra phát triển quá nóng thiếu kiểm soát, dẫn tới cung cầu mất cân đối. Nhà máy thì chế biến sản phẩm tràn lan, khó biết chính xác về chất lượng. Ngay cả các nhà máy thức ăn cho cá cũng mọc lên như nấm, nhưng rồi vài năm nay “rụng” hàng loạt bởi làm ăn không hiệu quả. Nghị định 36 ra đời để củng cố lại ngành cá tra là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình “gom” lại về một mối phải hết sức thận trọng về lộ trình, trong đó yếu tố thị trường cần được quan tâm đúng mức”.
Câu chuyện về con cá tra của Việt Nam “một mình một chợ” nhưng các doanh nghiệp bán rẻ như cho, rồi chuyện cạnh tranh không lành mạnh bán phá giá, bán sản phẩm kém chất lượng… gây mất uy tín sản phẩm cá tra trên trường quốc tế. Những việc này đã được đưa ra “mổ xẻ” ở rất nhiều hội nghị, hội thảo và không ít ý kiến đề nghị đình chỉ các doanh nghiệp gian dối. Song mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, đề xuất: “Phải mạnh dạn sàng lọc để loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, thiếu năng lực, thiếu tâm, thiếu tầm… từng bước trả lại vị thế đúng nghĩa cho cá tra. Bao giờ cá tra Việt Nam có thương hiệu, chủ động về giá bán trên thế giới, nâng cao chuỗi giá trị và để nông dân an tâm đầu tư làm giàu từ con cá?, tất cả đang chờ sự thực thi nghiêm của nghị định lần này”.
HUỲNH PHƯỚC LỢI