Một năm đầy thách thức, khi EU - thị trường xuất khẩu (XK) chính của da giày Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng da giày vẫn đạt tăng trưởng cao, dự kiến sẽ đạt 6,2 tỷ USD so với kế hoạch 5,5 tỷ USD đặt ra trước đó. Da giày đã chính thức vượt qua thủy sản, giữ vị trí thứ 3 trong nhóm những ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam, sau dệt may và dầu thô.
Tiêu thụ nội địa tăng
Tính đến tháng 11-2011, giày dép XK đã đạt 5,73 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 26% so với cùng kỳ năm 2010. Ngành da giày chắc chắn sẽ về đích trên 6,2 tỷ USD trong năm nay. Đây là kết quả ngoài mong đợi so với dự báo trước đó. Kim ngạch tăng, một phần do chi phí đầu vào tăng nên giá bán ra tăng. Góp phần quan trọng vào tăng trưởng cao của giày dép là tăng trưởng XK vào thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Mexico…
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), năm 2010, giày dép XK vào thị trường EU đạt hơn 2,4 tỷ USD, năm 2011 dự kiến đạt 2,95 tỷ USD; thị trường Mỹ tăng từ 1,4 tỷ USD lên 2 tỷ USD.
Ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, không chỉ riêng da giày mà nhiều ngành khác cũng gặp khó khăn trong XK. Từ quý 4-2011, đơn hàng da giày có dấu hiệu giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) giảm 15%-20% đơn hàng. Lefaso cho biết, thời điểm hiện nay, trên 50% DN được tham khảo đã ký hợp đồng đến hết quý 1-2012, khoảng 25% số tham khảo có khả năng ký đến hết quý 2-2012.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát cho biết, tại thời điểm này của những năm trước DN đã ký đơn hàng thực hiện đến tháng 7 nhưng hiện tại chỉ có đơn hàng đến tháng 4-2012. Hiện nhà nhập khẩu cũng chưa đặt hàng tập trung, còn đang thăm dò thị trường, phải đến tháng 4-2012 DN mới biết chắc được thị trường ra sao! Trong khi đó, nhà nhập khẩu vẫn không chịu tăng giá dù DN đang phải lo nhiều chi phí tăng thêm từ điều chỉnh chính sách lao động.
Trước khó khăn của thị trường XK, trong năm qua nhiều DN đã chuyển hướng, mở rộng sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và đã có tăng trưởng khá. Hiện nay, sản lượng giày dép do DN trong nước sản xuất và tiêu thụ nội địa đạt gần 70 triệu đôi, chiếm tỷ trọng 50% so với nhu cầu tiêu thụ 130 - 140 triệu đôi/năm (tương đương 1,5 tỷ USD). Đây là dấu hiệu tốt. So với giày dép, ngành túi xách (cặp, ba lô, va li) có tăng trưởng cao hơn, đang dần tìm được chỗ đứng vững chắc trên sân nhà. Hiện thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 25 triệu sản phẩm túi xách, trong đó có 15 triệu sản phẩm do DN trong nước sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ nội địa sử dụng 70% nguyên liệu da thuộc sản xuất tại Việt Nam.
TPP - Da giày thuận lợi hơn cả dệt may!
Với những diễn biến mới của thị trường thế giới, Lefaso dự báo, XK giày dép của Việt Nam trong năm 2012 sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với túi xách, tăng khoảng 12% trong năm tới, dự kiến sẽ đạt khoảng 7 tỷ USD. Thị trường Mỹ sẽ có tốc độ tăng nhanh hơn các thị trường khác. Thị trường EU chiếm 50% thị phần XK giày dép của Việt Nam giữ nguyên hoặc tăng nhẹ vì mặt hàng mũ da vẫn còn bị giám sát đến hết ngày 30-3-2012, đồng thời sức mua cũng giảm do khủng hoảng tại EU chưa chấm dứt. Thị trường Brasil sẽ chững lại do Chính phủ Brasil đang thực hiện cuộc điều tra chống bán phá giá đối với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam. Các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Mexico, Australia… sẽ có tăng mức bình quân từ 12%-15%.
Da giày Việt Nam đang giảm dần sự lệ thuộc quá nhiều vào thị trường EU và Mỹ. Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) với sự tham gia của 9 nước Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Mỹ, Australia, Malaysia, Peru, Việt Nam. Mới đây, Nhật Bản cũng đã tuyên bố tham gia hiệp định này và trong tương lai có thể sẽ có thêm nhiều nước khác.
Trong TPP, Mỹ là thị trường được Việt Nam kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội cho XK, trong đó có dệt may, da giày những ngành XK chủ lực, thế mạnh của Việt Nam. Thuận lợi của Việt Nam là đã có các Hiệp định thương mại đơn phương hoặc đa phương với phần lớn các nước còn lại. So với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, TPP được xem là một bước phát triển mới về chất lượng cam kết và đặt ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ… Các điều này, ngành da giày Việt Nam đang thực hiện tốt.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, trong TPP, ngành da giày, túi xách được đánh giá có cơ hội lớn hơn so với dệt may. Xét ở việc đề ra tiêu chí cho xuất xứ sản phẩm để hưởng chế độ GSP (ưu đãi thuế quan), đối với dệt may, Mỹ đang đưa ra yêu cầu phải sử dụng bông sản xuất tại Mỹ hoặc từ chính nước xuất khẩu. Đây là mối lo, điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp phụ trợ dệt may vì sản lượng bông trong nước sản xuất chỉ mới đáp ứng được 2% cho ngành sợi.
Dù ngành bông đang tăng tốc, mở rộng, tăng diện tích sản xuất nhưng phải chờ một thời gian dài nữa mới cung ứng cho sản xuất bông sợi. Nhưng da giày, túi xách sẽ dễ chịu hơn với tiêu chí này vì Mỹ không sản xuất nguyên liệu cũng như thành phẩm của ngành này.Tuy nhiên, TPP vẫn còn trong quá trình đàm phán và chưa có kết luận cuối cùng về những vấn đề ưu đãi.
MỸ HẠNH