Xuất khẩu gạo - Cần chiến lược mới

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu (XK) gạo, Thái Lan (TL) giảm lượng gạo XK năm 2012 xuống còn 6,5 - 8 triệu tấn do áp dụng chương trình nâng giá mua lúa gạo của nông dân. Dự kiến năm nay Việt Nam (VN) XK từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo, do đó, có thể thay thế TL và trở thành nước XK gạo nhiều nhất thế giới. Nhưng đây không phải là tin vui cho gạo VN.
Xuất khẩu gạo - Cần chiến lược mới

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu (XK) gạo, Thái Lan (TL) giảm lượng gạo XK năm 2012 xuống còn 6,5 - 8 triệu tấn do áp dụng chương trình nâng giá mua lúa gạo của nông dân. Dự kiến năm nay Việt Nam (VN) XK từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo, do đó, có thể thay thế TL và trở thành nước XK gạo nhiều nhất thế giới. Nhưng đây không phải là tin vui cho gạo VN.

Xuất khẩu gạo - Cần chiến lược mới ảnh 1

Thu hoạch lúa thơm Chợ Đào tại tỉnh Long An. Ảnh: CAO THĂNG

Xuất hiện nhiều đối thủ

Sau 3 năm hạn chế, Ấn Độ (AĐ) trở lại XK gạo, làm cho gạo cấp thấp của VN hầu như không bán được, trừ gạo thơm, gạo nếp... Thời điểm cuối năm 2011 đầu năm 2012, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) nhận định, XK gạo của VN sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Với diễn biến này, quý 1-2012 lượng gạo XK sẽ không thể bằng với cùng thời gian này năm 2011. Cũng theo VFA, 2 thị trường XK gạo lớn của VN là châu Á (chiếm khoảng 67% lượng gạo xuất khẩu) và châu Phi (chiếm 23%) sẽ có biến động không nhỏ. Từ cuối năm 2011 đến nay lượng gạo cấp thấp của VN vào châu Phi gần như đã rơi vào các nhà XK của AĐ, Pakistan… VN chỉ còn XK vào khu vực này phần gạo thơm (khoảng 3%).

Vừa qua, Hiệp hội Lúa gạo Myanmar cho biết, năm 2011 Myanmar XK 700.000 tấn gạo, năm nay khoảng 1,5 triệu tấn. Năm 2013 có thể 2 triệu tấn và đến năm 2015 là 3 triệu tấn. Thị trường chính của Myanmar là châu Phi, Indonesia và Philippines. Việc gia tăng nguồn cung từ nước này sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các nước XK gạo như TL, VN và AĐ. Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định, Myanmar có thể trở thành nước XK gạo lớn thứ 6 thế giới trong năm nay với lượng XK lớn nhất kể từ những năm 1960. Ngay cả Hiệp hội các nhà XK gạo TL cũng bày tỏ e ngại trước đối thủ này. Mới đây, Myanmar đã ký hợp đồng ghi nhớ bán từ 100.000 - 200.000 tấn gạo cho Indonesia trong năm nay. Lần đầu tiên trong 10 năm nước này cung ứng gạo cho Indonesia.

Thị trường trầm lắng

Theo VFA, lượng gạo VN XK tháng 1-2012 hơn 279.200 tấn, đạt 153 triệu USD (giá FOB), giảm 42,3% về lượng và gần 37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Điểm sáng là giá FOB bình quân hơn 550 USD/tấn, cao hơn 46,7% so cùng kỳ và VN vừa ký hợp đồng giao ngay 50.000 tấn gạo cho Indonesia. Theo các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu gạo mới trở lại VN sau thời gian nghỉ tết nhưng chỉ để thăm dò giá, phần lớn đang chờ thời điểm thu hoạch chính lúa đông - xuân 2011-2012 (khoảng tháng 2-3), vụ sản xuất lớn nhất trong năm. Nhìn chung thị trường vẫn trầm lắng. Thậm chí, có tình trạng nhà nhập khẩu trả giá thấp hơn so với giá sàn XK gạo mà VFA công bố. Trong khi đó, lượng hợp đồng XK gạo quý 1-2012, các doanh nghiệp ký được 1,1 triệu tấn, ít hơn con số 1,8 triệu tấn của năm trước, thời gian giao hàng lại kéo dài đến tháng 8 thay vì chỉ trong quý 1. Khác với đầu năm 2011, mới đây, Indonesia ký hợp đồng mua gạo của Myanmar, còn Bangladesh thì mua gạo của AĐ. Do 2 nước này có giá thấp hơn VN và TL. Cộng với việc khoảng 20% lượng gạo cấp thấp VN vẫn thường XK sang châu Phi rơi vào tay các nhà XK AĐ.

VFA đang tập trung xúc tiến thường xuyên để giữ cho được các thị trường truyền thống, đặc biệt là Philippines cũng như đột phá mạnh hơn vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời tăng lượng gạo thơm XK lên khoảng 800.000 tấn cạnh tranh với gạo thơm của TL thay vì cạnh tranh với gạo chất lượng trung bình trở xuống với các nước kể trên. Ngoài ra, năm nay, các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh XK gạo đồ, dự kiến sẽ XK khoảng 400.000 tấn gạo đồ trong năm nay.

Gạo đồ XK có giá bán ra bình quân cao hơn gạo 5% tấm từ 50-60 USD/tấn. Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đang đầu tư xây dựng thêm 3 nhà máy sản xuất gạo đồ tại 3 tỉnh ở khu vực ĐBSCL. Khi 3 nhà máy này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ XK khoảng 300.000 tấn/năm. Vinafood 2 phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy gạo đồ. Do phải đầu tư lớn và việc phải chen chân vào thị trường đã hình thành từ lâu nên nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư. Cũng phải nhìn nhận rằng, đây là thị trường hẹp, doanh nghiệp phải cố gắng rất nhiều mới mong có khách hàng. Cho dù chất lượng gạo đồ VN chưa bằng gạo đồ TL nhưng khách hàng nhận định vẫn hơn gạo đồ của Pakistan và AĐ. Đây là cơ hội để gạo đồ VN chen chân vào thị trường nhiều nước. Trong bối cảnh thị trường bị cạnh tranh gay gắt, việc XK gạo phải được định vị lại thế mạnh, đặt ra chiến lược XK cho những năm tới.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục