Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh đầy biến động.
Xáo trộn thị trường
Quý 1 năm nay, số lượng gạo Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất và giá trị cũng đạt cao nhất trên 751.000 tấn (vượt 100.000 tấn so kế hoạch đề ra), trị giá 884 triệu USD. Như vậy, so với cùng thời điểm này năm 2010 tăng 42% về lượng và 46% về giá trị. Trong đó, sau nhiều năm ngưng nhập gạo từ Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đã bán 825.000 tấn sang Indonesia. Khoảng từ tháng 6 trở đi, Indonesia sẽ tiếp tục mua gạo (thời điểm này Indonesia đang vào vụ thu hoạch lúa như Việt Nam).
Từ cuối năm 2010 Bangladesh cũng là thị trường đã mua trở lại gạo Việt Nam. Với Cuba, đã ký 250.000 tấn và giao đợt đầu 75.000 tấn. Hiện nay hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký giao trong 3 tháng tới 1,6 triệu tấn, dự kiến quý 2 sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn. Những biến động thị trường xuất khẩu gạo vừa qua cho thấy, nếu không có sự nhạy bén của các DN khi nhận định tình hình từ giữa năm 2010 và nhanh chóng tháo gỡ thế bế tắc, khai thông thị trường mới mà cũ (Indonesia, Bangladesh) kịp lúc thì khó có được kết quả như hiện nay. Philippines trở thành thị trường tập trung mua gạo lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua thay đổi cách thức mua gạo.
Trong số 1,3 triệu tấn gạo Philippines công bố sẽ nhập năm 2011, Chính phủ nước này giao tư nhân mua 660.000 tấn, số còn lại giao cho NFA (đại diện Chính phủ tổ chức đấu thầu mua dạng hợp đồng tập trung). Với doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ Philippines đã tổ chức cho các công ty tư nhân đấu thầu, nhưng chưa công bố. Tuy nhiên, theo VFA, những công ty này hầu hết đều nhỏ, vốn thấp, chỉ có khoảng 5 công ty có vốn khá và cơ sở vật chất tương đối tốt. Với 660.000 tấn theo hợp đồng tập trung, Việt Nam đã ký hợp đồng cấp chính phủ cung cấp 200.000 tấn gạo (giao hàng từ tháng 7,8). Trong khi đó, thị trường biến động nhiều nhất hiện nay chính là khu vực Trung Đông và châu Phi (kể cả Bắc Phi và các quốc gia Trung Phi) do có những biến động về chính trị xã hội ở những khu vực này, nơi chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu hàng năm.
Lấn sang thị phần của Thái Lan
Việc xuất khẩu gạo thời gian qua đang có sự biến đổi về chất. Nhiều DN Việt Nam đã lấn sân thị trường gạo thơm truyền thống mà bấy lâu nay Thái Lan nắm giữ. Dịp Tết 2011, theo Công ty TNHH Một thành viên Lương thực TPHCM (Foodcosa), chỉ riêng thị trường Pháp, nơi có lượng người Việt đông đảo, chỉ sau nước Mỹ, đã xuất khẩu 500 tấn với giá xuất ở mức cao (Hương Lài: 900 USD/tấn, Nàng Thơm Chợ Đào: 860 USD/tấn, Jasmine 650 USD/tấn).
Trước đây bà con mua gạo thơm Thái Lan để ăn, nhất là những ngày tết, nhưng gần đây bắt đầu chuyển qua mua gạo từ Việt Nam. Nếu tính cả thị trường Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore con số này lên đến 1.200 tấn trong dịp tết. Giám đốc Foodcosa Huỳnh Công Thành cho biết, năm 2010 thị phần gạo thơm Thái Lan ở Hồng Công đã bị gạo Việt Nam chiếm phần ưu thế nhờ giá cả mềm hơn. Năm 2010, khi giá gạo thơm Thái Lan xấp xỉ 1.000 USD/tấn, nhưng nhờ giá thành gạo Việt Nam thấp hơn nên giá xuất gạo thơm Việt Nam sang Hồng Công khoảng 800 USD/tấn.
Những tháng đầu năm 2011, giá gạo thơm xuất khẩu Việt Nam ở mức 600 USD/tấn, trong khi gạo thơm Thái Lan từ 690 USD/tấn (gạo Pathumthani) đến 810 USD/tấn (Hoom Mali). Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế ở các nước, người tiêu dùng Hồng Công quay qua mua gạo thơm giá rẻ hơn ngày càng nhiều là điều không khó hiểu, nhưng nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, chất lượng gạo thơm Việt Nam có thể nói là gần xấp xỉ gạo thơm Thái Lan. 2 điều này giúp gạo thơm Việt Nam thâm nhập và đẩy dần gạo thơm Thái Lan ra khỏi thị trường này. Nếu như tháng 1 chỉ xuất 6.500 tấn gạo thơm, tháng 2 gần 26.300 tấn sang tháng 3 lên hơn 27.100 tấn, chiếm 3,61% lượng gạo xuất khẩu.
Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết thêm, sắp tới nhiều khả năng Nhật Bản nhập khẩu trở lại gạo thơm từ Việt Nam với giá rất cao. Hiện VFA đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xác định khu vực trồng lúa thơm đảm bảo những quy định khắt khe của Nhật Bản.
Điều đáng nói, ngoài các mặt hàng gạo truyền thống, những tháng đầu 2011 và cả năm nay sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo đồ sang các nước vốn là thị phần của Thái Lan, Pakistan, Trung Quốc… Từ năm 2010, nhiều công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo đồ. Quý 2 này sẽ có thêm nhà máy chế biến gạo đồ 500 tấn/ngày hoạt động. Dù con số xuất khẩu còn khiêm tốn, chỉ bằng 3,4% tổng lượng gạo xuất, nhưng lại là khởi đầu cho việc mở ra mặt hàng mới, đầy triển vọng nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu hạt gạo Việt Nam.
Trước đây từng có DN xuất khẩu gạo đồ nhưng chỉ mới ở dạng thăm dò thị trường. Chính vì thế, có thể nói năm nay là thời điểm Việt Nam chính thức xuất khẩu gạo đồ ra thị trường thế giới. Lượng xuất khẩu gạo đồ tăng qua từng tháng và có thể đạt 300.000 - 400.000 tấn trong năm nay. Giá gạo đồ cao hơn gạo trắng vài chục USD/tấn. Thị trường gạo đồ Việt Nam gồm các quốc gia Hồi giáo ở châu Á, châu Phi và Đông Âu.
CÔNG PHIÊN