Như Báo SGGP đưa tin, thị trường gạo thế giới thời gian tới lợi thế sẽ nằm trong tay người bán.
- Giá lúa tiếp tục ở mức cao
Việc thị trường gạo thế giới chuyển từ ảm đạm sang sôi động đặt ra một loạt vấn đề mới. Lượng gạo ký hợp đồng chưa thực hiện đến cuối năm còn 1,098 triệu tấn, trong khi các doanh nghiệp (DN) tồn kho khoảng 1,190 triệu tấn và lượng gạo được các DN ký hợp đồng hiện nay đã 6,8 triệu tấn nhưng nguồn hàng trong nước từ nay đến cuối năm không còn nhiều.
Trong khi đó, thông thường lượng lúa từ Campuchia chuyển về Việt Nam hàng năm cả triệu tấn, nhưng năm nay chỉ khoảng 100.000-200.000 tấn vì phần lớn lúa chuyển qua Thái Lan. Trả lời câu hỏi báo chí, vì sao có sự di chuyển ngược sang Thái Lan, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, Thái Lan đang có chiến lược mua lúa gạo trắng của Campuchia, Lào, Myanmar để cạnh tranh với gạo trắng thường Việt Nam, thay vì chỉ xuất khẩu gạo thơm và gạo đồ như trước. Vì vậy, hiện nay giá lúa thị trường trong nước đang ở mức cao 5.500 - 6.000 đồng/kg.
Trong khi đó, nhu cầu về gạo trên thị trường thế giới từ đây đến cuối năm, kể cả đầu năm sau vẫn sôi động. Thời gian qua VFA xếp lịch tiếp nhiều đoàn khách đến từ Mozambique, Bangladesh, Indonesia, Philippines và Trung Quốc. Đoàn chính phủ cấp cao Mozambique trở về từ Việt Nam với hợp đồng 400.000 tấn gạo (Vinafood 1 bán). Sau đó, cơ quan Bulog của Indonesia đến Việt Nam cam kết mua 1 triệu tấn gạo nhưng Vinafood 2 chỉ có thể ký 300.000 tấn gạo. Kế đến Tổng cục Lương thực quốc gia Philippines (NFA) muốn tiếp tục mua đến 2 triệu tấn. Đây là 2 quốc gia gây bất ngờ, Indonesia từ chỗ mạnh miệng tuyên bố năm nay sẽ xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo sang mua gạo, Philippines cũng từng tự tin tuyên bố đủ gạo từ nay đến cuối năm.
Nhưng việc Cục trưởng Cục Lương thực Trung Quốc đến TPHCM và Hà Nội tìm hiểu tình hình lương thực đang là “ẩn số”. Ngay cả Bangladesh, một thời gian không mua gạo Việt Nam cũng đã ký với Vinafood 2 mua 100.000 tấn gạo và có nhu cầu mua tiếp vài trăm ngàn tấn. Sau khi Vinafood 1 trúng thầu 60.000 tấn gạo loại 5% tấm bán cho Iraq, thông tin cho biết, nhu cầu nhập khẩu của quốc gia này khoảng 300.000 tấn.
- Thuận người bán
VFA vừa điều chỉnh giá sàn gạo 25% tấm thêm 10 USD/tấn (lên 445 USD/tấn), riêng gạo 5% chưa cần tăng vẫn 475 USD/tấn. Ông Trương Thanh Phong cho biết, từ nay khi ký hợp đồng mới, DN phải đảm bảo có gạo trong kho và giao VFA kiểm tra, tránh xảy ra tình trạng làm biến động thị trường trong nước. Nhìn lại những tháng qua, bên cạnh những mặt đạt được như lượng xuất, giá xuất bình quân đều tăng, tiêu thụ hết lúa hàng hóa của dân ngay trong tình huống thị trường êm ắng bằng cách tạm trữ.
Tuy nhiên, đôi lúc DN Việt Nam còn bị dao động khi đấu trí với các nhà nhập khẩu thế giới. Khả năng chịu đựng bị giới hạn, nên khi lượng gạo tồn kho lên 2 triệu tấn, các DN vội vàng bán dẫn đến bị ép giá. Tất nhiên, cách điều hành của Thái Lan khác Việt Nam, khi chính phủ đứng ra mua hết lúa gạo của nông dân để dự trữ (ở Việt Nam DN tự mua), có lúc lên đến 7-8 triệu tấn, nhưng vẫn không giảm giá, nên khi nhà nhập khẩu buộc phải mua vào thì họ hưởng lời rất cao. Từ đó thấy rằng, nếu các DN thật sự đồng lòng, không bị dao động sẽ không xảy ra tình trạng lúa rớt giá.
Theo ông Trương Thanh Phong, xét từng khu vực, nhu cầu gạo có căng thẳng, cung vượt cầu. Từ nay đến quý 1-2011 giá lương thực không giảm, chỉ tăng, nhất là giai đoạn cuối năm 2010, đầu 2011. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải chuẩn bị hàng. Vì vậy, VFA khuyến cáo các DN cần mua hết lượng lúa hàng hóa của bà con trong thời gian tới, không nên tiếp tục bán tấm, không bán gạo cấp thấp
CÔNG PHIÊN