Ngày 15-9, tại Trung tâm thương mại Hà Nội - Mátxcơva, Liên bang Nga, đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến Thương mại - Du lịch TPHCM 2015 do UBND TPHCM tổ chức. Hội nghị thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Liên bang Nga tham dự.
Đây là đợt xúc tiến có quy mô lớn nhất của TPHCM nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan (FTA VN - EEU).
Các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đang trao đổi, đàm phán ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến thương mại - du ljch TPHCM tại Liên bang Nga 2015. Ảnh: HẢI HÀ
Nhiều cơ hội
Nga là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các DN Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nga chỉ chiếm gần 1% trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới.
Thị trường Nga rất hấp dẫn với dân số 143,5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 14.611 USD/năm, trong đó tầng lớp trung lưu ngày một phát triển (chiếm từ 10% - 25%), văn hóa tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao. Nga được đánh giá là thị trường tiêu dùng và bán lẻ rộng lớn, đa dạng về hàng hóa nhập khẩu, đồng thời là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, chè, rau, củ, quả tươi, sản phẩm đông lạnh, may mặc, nhựa, cao su, chất dẻo... Theo đó, những mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nga đã được giảm thuế, thấp hơn từ 30% - 50% so với thời điểm Nga chưa là thành viên của WTO. Đặc biệt, ngay sau khi FTA Việt Nam - EEU được thực thi, 90% dòng thuế của hai bên sẽ được tự do hóa, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương. Điều đáng lưu ý là những hàng hóa lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu vào Nga đều đạt được những điều kiện thuận lợi như thủy sản Việt Nam đã đạt được gần như 100% khối lượng các mặt hàng xuất đi được hưởng thuế suất bằng 0.
Nhìn nhận về cơ hội cho hàng Việt khi thâm nhập vào thị trường Nga, đại diện chính quyền tỉnh Mátxcơva cho biết, nhiều hàng hóa của Việt Nam được người dân Nga ưa chuộng, đặc biệt là hàng nông sản, đồ gỗ và hàng công nghiệp nhẹ. Do vậy, các DN Việt Nam đang đứng trước một cơ hội to lớn và cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các DN nên nhanh chóng có kế hoạch xúc tiến đưa hàng Việt Nam vào Nga. Tuy nhiên, cần lưu ý, chúng ta không chỉ khai thác thị trường tiềm năng Nga mà hàng hóa Việt Nam vào Nga còn mang cả tình cảm vào nước bạn. Chính vì thế, DN Việt Nam cần chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Nga.
Nghiên cứu kỹ nhu cầu tiêu dùng
Bà Larisa Nicolai Eva, Công ty Stel - KS, chuyên xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp và máy tính, nhìn nhận: “Công ty đã làm việc với nhiều đối tác tại Việt Nam và châu Á. Nhưng qua làm việc với Công ty Tấn Vương tại hội nghị, chúng tôi thấy chất lượng gạo cũng như khả năng cung ứng sản phẩm với số lượng lớn của Tấn Vương là khá tốt. Tuy nhiên, để đi đến ký kết hợp đồng, hai bên sẽ tiến hành đàm phán thêm về giá cả cũng như chủng loại gạo, bao bì mẫu mã phải đa dạng hơn nữa, mới có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người Nga”.
Là DN đã có nhiều năm kinh doanh với Việt Nam, ông Kuznetsov - Oleg Borisovich, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tâm Tâm, cho biết, Tâm Tâm đã nhập khẩu nhiều sản phẩm của Việt Nam như thủy hải sản đóng gói hoặc chế biến ăn ngay. Người tiêu dùng Nga đánh giá là có chất lượng rất tốt, ngon, mẫu mã đa dạng… Nhưng do khoảng cách giữa 2 quốc gia khá xa, nên DN hai bên ít có điều kiện để tìm hiểu nhiều hơn về các sản phẩm khác. Hội nghị lần này là cơ hội rất tốt và mong rằng trong thời gian tới, sẽ được tham dự nhiều hơn các buổi triển lãm, gặp gỡ như thế này.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nga các mặt hàng công nghiệp nhẹ và tiêu dùng, chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng thủy sản, dệt may; giày dép các loại; hàng rau quả, cà phê, hạt điều và hạt tiêu… Ở chiều ngược lại, chiếm tỷ trọng trên 85% kim ngạch nhập khẩu từ Nga, chủ yếu là những mặt hàng: xăng dầu, phân bón, sắt thép và sản phẩm, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, hàng thủy sản, than đá, cao su, các sản phẩm từ dầu mỏ, phôi thép, sắt thép thành phẩm và phân bón…
Bên cạnh thuận lợi từ việc cắt giảm thuế FTA trong thời gian tới, cũng đặt ra nhiều thách thức như khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và các nước trong liên minh rất xa, vận chuyển chưa thuận lợi. Khuyến cáo từ Bộ Công thương, DN cần khảo sát kỹ khâu vận tải, bến bãi, kho tàng… để có chi phí tốt nhất nhưng vẫn giữ được chất lượng hàng hóa. Việc tìm hiểu các quy tắc, luật lệ của các nước đối tác cũng quyết định không nhỏ đến sự thành bại trong xuất khẩu, bởi mỗi nước có những đặc điểm riêng, có hàng rào kỹ thuật riêng. Những rủi ro trong thanh toán từ các nước SNG nói chung đã giảm đi, nhưng vì nhiều lý do nên việc thanh toán bằng ngoại tệ như EUR, USD vẫn còn khó khăn…
Với kinh nghiệm làm ăn thành công tại Nga - thị trường chủ lực trong liên minh, một số DN chia sẻ, điều quan trọng nhất là DN Việt Nam cần có chiến lược, có cam kết mạnh mẽ về chất lượng hàng Việt nhưng giá cả phải cạnh tranh. Bà Olga - Biruikova, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và phát triển Á - Âu, Liên bang Nga khuyến nghị, cần nghiên cứu kỹ phong tục tập quán tiêu dùng để đưa hàng hóa phù hợp. Đặc biệt phải tìm hiểu rõ luật ngoại kiều của Nga nhằm tránh vi phạm luật. Cách tốt nhất là tìm kiếm và gắn kết với hệ thống các nhà phân phối và DN theo dạng B2B (doanh nghiệp và doanh nghiệp) để tìm chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa. Mức tiêu thụ cũng như thu nhập của người dân Nga bây giờ đã cao hơn, do vậy nhu cầu đòi hỏi chất lượng hàng hóa cũng cao hơn, nếu chỉ lo cạnh tranh về giá sẽ không ổn.
| |
Thúy Hải (từ Mátxcơva, Nga)