Xuất khẩu hương vị quê nhà

Xuất khẩu hương vị quê nhà

Tại hội nghị tổng kết về xuất khẩu gạo năm 2010 mới đây ở TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh, xuất khẩu gạo không đơn thuần là xuất khẩu hạt gạo như bao lâu nay mà cần nhìn rộng hơn, đó là đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ra với thế giới. Tất nhiên văn hóa ẩm thức không chỉ bó hẹp trong hạt gạo mà là các loại nông sản khác. Điều mong muốn này đã và đang được các công ty thực hiện, đặc biệt vào dịp tết cổ truyền.

Nông dân ấp Long Định, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thu hoạch lúa. Ảnh: Thái Bằng

Nông dân ấp Long Định, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thu hoạch lúa. Ảnh: Thái Bằng

Ngay từ trước tết năm 2010, Công ty TNHH một thành viên Lương thực TPHCM (Foodcosa) đã xuất khẩu thử nghiệm 3 container gạo thơm Nàng Thơm Chợ Đào, Hương Lài, Jasmine sang Pháp. Thị trường này có bà con Việt kiều đông đảo, chỉ đứng sau Mỹ. Trước đây bà con vẫn thường mua gạo Thái Lan để ăn, nhất là những ngày tết, nhưng gần đây bắt đầu chuyển qua mua gạo từ Việt Nam để gần gũi hương vị quê nhà.

Năm nay, chỉ riêng thị trường này đã xuất 20 container (500 tấn) với giá xuất ở mức cao (Hương Lài: 900 USD/tấn, Nàng Thơm Chợ Đào: 860 USD/tấn, Jasmine 650 USD/tấn). Nếu tính cả thị trường Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore con số này lên đến 1.200 tấn trong dịp tết. Đó là chưa kể nhà nhập khẩu Hồng Công đang có kế hoạch nhập khẩu thêm gạo thơm sau tết đáp ứng nhu cầu người bản địa. Năm 2010 thị phần gạo thơm Thái Lan ở đây đã bị gạo Việt Nam chiếm phần ưu thế nhờ chất lượng không thua kém, giá cả rẻ hơn.

Theo ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Foodcosa, nhu cầu gạo thơm ở các nước có bà con Việt kiều tại châu Âu (Pháp…) thường tăng lên vào dịp tết cổ truyền, kể cả nếp thơm, nhưng do chưa có nguồn hàng nếp ổn định nên chưa thể đáp ứng. Hy vọng tết năm sau sẽ tìm được nguồn hàng ổn định để có thể cung ứng loại đặc sản này.

Ẩm thực quê nhà vào dịp tết phải kể đến các loại gạo nếp để làm bánh chưng, bánh tét và bánh mứt từ nông sản chế biến. Với bánh chưng và bánh tét, các công ty và cơ sở vừa và nhỏ tỏ ra ưu thế. Cơ sở Trần Gia (Đồng Nai) xuất khẩu bánh chưng sang thị trường châu Âu và xuất lá dong sang Mỹ do bà con người Việt muốn được tự nấu để cảm nhận thêm hương vị ngày tết. Chỉ riêng cơ sở Trần Gia xuất khẩu 15 tấn bánh chưng dịp tết này, chưa kể những cơ sở khác ở TPHCM, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những doanh nghiệp đã và đang đi đầu trong việc xuất khẩu các loại nông sản bình dân của Việt Nam như mít, khoai lang, khoai môn, chuối, thơm,… ra thế giới là Công ty Vinamit. 60% sản lượng chế biến hàng năm là xuất khẩu, không chỉ phục vụ bà con Việt kiều mà cả người bản xứ, vốn ngày càng quen dần với các sản phẩm chế biến từ nông sản Việt, trong đó Trung Quốc là thị trường rộng lớn chưa đáp ứng đủ. Thông thường dịp tết, lượng hàng xuất đầu tăng 3-4 lần so với thời điểm bình thường trong năm.

Riêng Tết Tân Mão năm nay, Vinamit đưa ra sản phẩm mãng cầu, thơm, dừa, đu đủ, xoài và kẹo ngày tết trên đồng loạt thị trường trong và 3 thị trường nước ngoài chủ lực là Trung Quốc, Mỹ và Úc. Trong khi đó, Công ty TNHH Vĩnh Thuận (TPHCM) cho biết, từ 4-5 năm nay, nhiều sản phẩm bột từ hạt gạo, nếp, bắp, khoai mì… với trên 22 sản phẩm các loại đã được xuất khẩu ra nhiều nước như Mỹ, Pháp… chế biến ra nhiều món ăn đậm đà hương vị quê nhà như bánh xèo, bánh bò, bánh bao, bánh giò, bánh bột lọc…

Dịp tết là thời điểm hút hàng nhiều trong năm. Tuy nhiên, hương vị quê nhà ngày không chỉ có bánh mứt, nhiều công ty và cơ sở ở TP và các tỉnh còn xuất khẩu nhiều chậu mai vàng và các loại cây kiểng dạng bonsai sang các nước như cơ sở Năm Đông ở quận Thủ Đức, cơ sở bonsai và mai vàng Thanh Tâm (quận 12)… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, ngày càng có nhiều cơ sở hoa kiểng TP xuất khẩu cây kiểng các loại ra nước ngoài, đặc biệt là dịp tết cổ truyền. Chính những sản phẩm chế biến từ nông sản Việt Nam góp phần đưa ẩm thực mang đậm đà hương vị quê nhà đến với bà con kiều bào và bạn bè gần xa trên thế giới.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục