Xuất khẩu tại chỗ cho doanh nghiệp Việt

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành điện, điện tử, trang thiết bị máy móc, phụ tùng nước ta ước đạt gần 100 tỷ USD, nằm trong tốp 20 quốc gia xuất khẩu điện tử lớn trên thế giới và tốp 10 trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, hơn 95% giá trị kim ngạch xuất khẩu và gần 90% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của lĩnh vực này đều thuộc khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

Xuất khẩu tại chỗ cho doanh nghiệp Việt ảnh 1 Lắp ráp tivi tại doanh nghiệp trong nước. Ảnh: THÀNH TRÍ
 Cần sự ưu đãi công bằng

Phân tích từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điện, điện tử, trang thiết bị máy móc, phụ tùng thì ngành hàng điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 50 tỷ USD. Kế đến là ngành hàng điện tử, máy tính và linh kiện, đạt 29,4 tỷ USD. Còn ngành hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD. Đây cũng là những mặt hàng đứng đầu danh mục sản phẩm xuất khẩu chủ lực luôn duy trì được đà tăng trưởng liên tục trong 5 năm qua và nằm trong tốp các mặt hàng duy trì mức kim ngạch xuất khẩu trên tỷ USD của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực trên chủ yếu vẫn thuộc về khu vực DN FDI. 

Vậy DN Việt ở đâu trong phân khúc chuỗi cung ứng toàn cầu? Đây là câu hỏi nhiều chuyên gia trăn trở. Ông Phạm Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí điện - điện tử TPHCM, cho biết môi trường cạnh tranh thiếu công bằng chính là nút thắt khiến DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước không thể phát triển hoặc mở rộng quy mô đầu tư. Điển hình nhất là chính sách bất cập về thuế nhập khẩu. DN trong nước nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vẫn phải chịu thuế nhập khẩu, trong khi DN FDI nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị máy móc vào đầu tư, sản xuất tại Việt Nam thì được miễn thuế nhập khẩu. Một yếu tố khác, DN FDI đầu tư vào Việt Nam được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, chi phí thuê đất… Trong khi đó, tất cả những chi phí trên DN trong nước đều phải tự túc chi trả. Thực tế này đã tạo độ chênh về giá thành sản xuất khiến DN nội không thể cạnh tranh. 

Phải thừa nhận chính sách thu hút đầu tư do Chính phủ triển khai thời gian qua rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những DN sản xuất sản phẩm đầu cuối. Thế nhưng, các cơ quan chức năng lại thiếu tính toán, phân loại DN nào trong chuỗi cung ứng sản phẩm thì được hưởng hoặc không được hưởng chính sách ưu đãi. Do đó, đã có rất nhiều DN FDI lợi dụng chính sách này và xin xét ưu đãi cho cả hệ thống chuỗi cung ứng bao gồm DN sản xuất sản phẩm phụ trợ và sản xuất sản phẩm đầu cuối. Chính vì vậy mà DN nội không thể chen chân vào chuỗi cung ứng của DN sản xuất sản phẩm đầu cuối. 

Thúc đẩy kết nối để tăng xuất khẩu tại chỗ

Trước những khó khăn của DN nội địa khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM đã đưa ra một số kiến nghị. Theo đó, cần phải tách biệt rõ DN sản xuất sản phẩm đầu cuối với DN cung ứng trong chuỗi của DN sản xuất sản phẩm đầu cuối. Chính sách ưu đãi đầu tư chỉ được áp dụng cho DN sản xuất sản phẩm đầu cuối. Còn DN FDI cung ứng sản phẩm phụ trợ không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Các DN FDI này cũng sẽ phải chịu chính sách thuế và phí giống như DN nội đang phải chịu. Có vậy mới thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng giữa DN ngoại và nội trong chuỗi cung ứng. 

Xuất khẩu tại chỗ cho doanh nghiệp Việt ảnh 2 Sản xuất đồng hồ điện tử tại doanh nghiệp trong nước. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một góp ý khác từ ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc Asanzo, là DN trong nước cần chủ động đánh giá lại nội lực sản xuất. Từ đó, lựa chọn phân khúc cung ứng phù hợp để tham gia. Ngoài ra, phải có chiến lược đầu tư dài hơi, cải thiện năng lực sản xuất, trình độ quản lý. Hiện nay, một số DN đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cao của các DN FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối. Đây là cơ sở nền tảng để DN nội tiếp cận và tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Văn Tam, chính quyền địa phương hiện đã có chủ trương hỗ trợ ngành này nhưng những triển khai thực tế vẫn còn hạn chế. Phổ biến nhất là tình trạng DN rất chật vật để tìm quỹ đất và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất.

Tính cho đến nay, phần lớn linh kiện và phụ tùng phục vụ cho sản xuất sản phẩm điện, điện tử, máy tính, trang thiết bị máy móc, phụ tùng… của các DN FDI đầu cuối đều nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng hơn 10% và chỉ đáp ứng khâu sản phẩm cơ bản, giản đơn, có giá trị thấp như sản xuất linh kiện cơ khí, nhựa và cao su, bao bì và đóng gói, các loại sách hướng dẫn, khuôn đúc…

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng là gián tiếp tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời kéo giảm khoảng cách kim ngạch xuất khẩu giữa khối DN trong nước với DN FDI. Mặt khác, giải pháp này giúp DN trong nước giảm thiểu tối đa rủi ro xuất khẩu. Do vậy, trong thời gian tới, các bộ ngành liên quan phải tập trung hỗ trợ DN vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.

Các hoạt động thúc đẩy kết nối giữa DN trong nước với các công ty đa quốc gia tại Việt Nam sẽ được tăng cường hơn nữa, giúp DN nội tiếp cận thông tin, từng bước chuẩn hóa quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian đáp ứng tiêu chuẩn và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp, đây sẽ là cơ hội lớn cho hơn 98% trong tổng số trên 700.000 DN vừa và nhỏ trong nước tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ toàn cầu của ngành điện, điện tử, trang thiết bị máy móc, phụ tùng… 

Tin cùng chuyên mục