Xuất khẩu tinh dầu trầm, trầm cảnh

Thông tin từ hội thảo “Định hướng phát triển ngành trầm hương Việt Nam”, diện tích trồng cây dó trầm cả nước từ 15.000 - 18.500ha. 2 tỉnh có diện tích nhiều nhất, từ 3.000ha trở lên là Hà Tĩnh và Quảng Nam.
Khoảng 23 tỉnh, thành khác từ 500 - 1.200ha/tỉnh. Hầu hết các giống dó đang được gây trồng hiện nay ở nước ta thuộc loài dó bầu (Aquilaria crassna); phân tích 4 mẫu ADN các giống dó bầu, dó me, dó liệt và dó tứ quý ở Viện Di truyền Hàn Quốc cho thấy các ADN giống tương tự nhau, chỉ khác chút ít ở các gien phụ.
Các doanh nghiệp, chủ trang trại trầm sản xuất nhiều mặt hàng như trầm mảnh (agarwood chip), trầm cảnh nghệ thuật, hàng thủ công mỹ nghệ hay chuỗi hạt, các loại nhang trầm; từng bước hoàn chỉnh sản phẩm trầm giá trị cao như chưng cất tinh dầu trầm... Sau nhiều năm sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tạo trầm, hiện nay tập trung theo hướng sinh học nhằm mang lại sản phẩm an toàn, không dư lượng hóa chất. 
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ cây dó trầm trên thế giới rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận và buôn bán trực tiếp với thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, phần lớn phải qua nhiều trung gian. Từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh trầm Việt Nam xuất khẩu sang các nước Trung Đông gần 365 lít/năm, giá từ 5.000 - 15.000USD/lít; các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... khoảng 360 lít/năm; nhang trầm 87.000kg/năm; đã bán và ký hợp đồng xuất khẩu 62.100kg trầm mảnh, cây cảnh nghệ thuật đã xuất gần 5.200kg và 216 cây dó trồng cảnh qua Trung Quốc... 

Tin cùng chuyên mục