Xuất khẩu Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

“5 ăn 5 thua”
Xuất khẩu Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP được ký kết, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng con đường xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều ngành hàng cũng bị ảnh hưởng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là những thông tin được các chuyên gia kinh tế nêu ra tại Hội thảo “Xuất khẩu Việt Nam trước ngưỡng TPP” tại TPHCM mới đây.

Sản xuất da giày hưởng nhiều lợi ích khi Việt Nam gia nhập TPP. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất da giày hưởng nhiều lợi ích khi Việt Nam gia nhập TPP. Ảnh: CAO THĂNG

“5 ăn 5 thua”

Đánh giá chung về cơ hội và thách thức từ sự hội nhập sắp tới, có chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community-AEC) sẽ hình thành vào cuối năm 2015 với thị trường thống nhất, mở rộng đầu tư, giảm thuế quan… TPP có 21 chương, tạo ra cơ hội cho xuất khẩu, thu hút FDI. Hàm lượng TPP phải đạt 70%, sẽ có làn sóng đầu tư vào sản xuất và dịch vụ trợ giúp dệt-may để đạt yêu cầu này. Nhật Bản sẽ phải mở cửa thị trường nông sản, sẽ đầu tư vào Việt Nam để sản xuất nông sản xuất khẩu sang Nhật và các nước thứ ba, công khai minh bạch cho mua sắm của Chính phủ, bình đẳng đối với doanh nghiệp nhà nước. “Trước tình hình này, Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ để tận dụng cơ hội phát triển. Vì sắp tới, các ngành dịch vụ sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt”, một chuyên gia cảnh báo.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP. Trong đó, sự gia tăng thương mại với Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất trong TPP là yếu tố quan trọng nhất giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Đầu tư nước ngoài gia tăng là yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Mặt khác, thuế nhập khẩu của các nước TPP sẽ giảm đáng kể. Từ đó, Việt Nam sẽ gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép và hải sản. Đáng lưu ý, đến thời điểm đó Việt Nam sẽ không phải cạnh tranh với Trung Quốc trong TPP. Theo nghiên cứu của các tổ chức kinh tế thế giới, việc gia nhập TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 46 tỷ USD, tức khoảng 13,6%. Ngoài ra, khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỷ USD và sẽ tăng lên 37,5 tỷ USD nếu Nhật Bản tham gia TPP. Riêng Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kỳ vọng TPP sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu đạt mức 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ TPP với nguyên tắc “yarn forward” (xuất xứ tính từ sợi trở đi). Trong khi đó, đối với ngành nông nghiệp sẽ “5 ăn 5 thua”, trong đó ngành chăn nuôi đứng trước “nguy cấp”, gồm 3 đối tượng chính: heo, gà và bò. “Chăn nuôi gà thì chúng ta không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị xóa sổ. Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi. Tuy nhiên, xu thế tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh. Chính vì vậy, cả ngành chăn nuôi heo và gà có thể đứng trước nguy cơ xóa sổ”, chuyên gia kinh tế này phân tích.

Xu hướng giao dịch trực tuyến

Theo bà Ly Lê, thành viên ban lãnh đạo - Hiệp hội Thương mại Mỹ tại TPHCM, để hưởng lợi từ TPP, các doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia các hội chợ chuyên ngành tại Hoa Kỳ, thực hiện các giao dịch thông tin điện tử, tăng cường chất lượng sản phẩm và tính bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên nhận diện khách hàng tiềm năng, tìm hiểu “cẩm nang cho nhà cung cấp” và chuẩn bị hồ sơ xin trở thành nhà cung cấp. Bàn về xu hướng và ưu thế xuất khẩu trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam khi tham gia vào TPP, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB Trần Đình Toản đánh giá, vai trò của internet ảnh hưởng to lớn đối với hoạt động kinh doanh; xu hướng kinh doanh trực tuyến và việc lựa chọn kênh trực tuyến đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam cho biết, xu thế mua hàng trực tuyến của các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đang ngày một tăng cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp biết nắm bắt và tiếp cận một phương thức kinh doanh mới hiệu quả. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị và tham gia ngay vào hoạt động thương mại điện tử để nắm bắt được xu thế mua hàng trực tuyến toàn cầu.

Đối với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và xu hướng tài trợ xuất nhập khẩu, TS Phan Thị Hồng Hải, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân hàng có xu hướng cung cấp các sản phẩm tài trợ thương mại gắn liền với chu kỳ sản xuất kinh doanh với dòng luân chuyển hàng hóa, tiền tệ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, ngân hàng cung cấp sản phẩm với các khâu trong chuỗi cung cấp của doanh nghiệp thay vì cấp tín dụng trơn như trước kia, nhằm mục đích quản lý chặt chẽ rủi ro tín dụng và tăng cường hiệu quả hoạt động ngân hàng cũng như của khách hàng.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục