Xuất ngoại và rủi ro

Việc tiền vệ Nguyễn Quang Hải ký hợp đồng với một CLB “khiêm tốn” ở giải hạng nhất nước Pháp (Ligue 2) được xem là một nước đi khôn ngoan, bởi với một đội bóng vừa tầm, khả năng ra sân của Quang Hải sẽ cao hơn những đồng đội Việt Nam từng xuất ngoại trước đó.
Nguyễn Quang Hải trong màu áo Đội tuyển Việt Nam
Nguyễn Quang Hải trong màu áo Đội tuyển Việt Nam

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận đây chỉ là tín hiệu tích cực đầu tiên, chưa phải là kết quả sau cùng của chuyến “phiêu lưu” của Quang Hải tại châu Âu, bởi mọi thứ vẫn tùy vào năng lực thể hiện của Quang Hải. Ngay cả khi cựu cầu thủ CLB Hà Nội thành công, thì đó là một dấu ấn cá nhân, mở ra một triển vọng, hơn là một điều gì đó lớn lao đến sớm dành cho cả nền bóng đá.

Vì có một thực tế là không phải cứ có nhiều cầu thủ xuất ngoại thì sẽ kéo theo sự phát triển nhanh chóng về đẳng cấp của một nền bóng đá. Thái Lan là ví dụ điển hình.

Trong 5 năm trở lại đây, cầu thủ Thái Lan đang dần quen thuộc trên thị trường chuyển nhượng châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Họ đang có hơn 20 cầu thủ chơi bóng ở Nhật Bản, bao gồm 6 người đá ở J-League 1, và có ngôi sao Chanathip được sánh ngang với những cầu thủ tốt nhất tại giải đấu này. Đây là giai đoạn được đánh giá huy hoàng nhất của bóng đá Thái Lan, thế nhưng thành tích của đội tuyển lại đi xuống. Họ thất bại ở AFF Cup 2018, Assian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022. 

Chiến thắng tại AFF Cup 2020 cũng không giúp người Thái lấy lại vị thế số 1 Đông Nam Á. Mới đây nhất, người hâm mộ của họ phẫn nộ khi đội nhà để thua Uzbekistan với tỷ số 0-2 ở vòng loại Asian Cup 2023 dù có đầy đủ những cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài. Trận thua đó không ảnh hưởng đến chiếc vé dự vòng chung kết Asian Cup, nhưng nó cho thấy “Voi chiến” vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn lật đổ vị trí số 1 của Việt Nam. 

Không chỉ ở đội tuyển, tại giải U23 châu Á vừa qua, Thái Lan triệu tập đến 9 cầu thủ trẻ đang thi đấu ở nước ngoài, và vẫn bị loại tại vòng bảng. Đây là lứa cầu thủ U23 được đánh giá cao nhất của Thái Lan, nhưng ngay ở trận đối đầu với U23 Việt Nam, họ cũng chẳng có sự khác biệt đáng kể nào so với đội Thái Lan đã thua trong trận chung kết SEA Games 31. Xem ra, việc đá ở nước ngoài không phải là ưu thế.

Bóng đá Việt Nam cũng đã có nhiều bài học về xuất ngoại cầu thủ. Nhìn nhận một cách công bằng, thì những Công Phượng, Đoàn Văn Hậu, Xuân Trường hay trước đó là Công Vinh đều không tiến bộ hơn sau khi trở về từ nước ngoài. Việc ngồi ở ghế dự bị quá nhiều khiến cho họ mất luôn chỗ đứng trên đội tuyển quốc gia vào tay các đồng nghiệp chỉ chơi bóng trong nước.

Nói cách khác, xuất ngoại là một con dao 2 lưỡi, có mặt tốt nhưng cũng có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến cá nhân cầu thủ lẫn nền bóng đá. Chúng ta hay nói đến những điều tích cực khi cầu thủ xuất ngoại, nhưng các khía cạnh tiêu cực cũng nên được đánh giá đầy đủ trước khi đưa ra sự ủng hộ.

Dù việc xuất ngoại là quyết định cá nhân của cầu thủ, nhưng rõ ràng, không nên tìm cách ra nước ngoài bằng mọi giá theo các hợp đồng cho mượn hoặc kèm điều khoản thương mại. Tình trạng chấn thương của Đoàn Văn Hậu sau khi sang Hà Lan ngồi ghế dự bị 9 tháng rồi trở về cho thấy những hậu quả mà ít ai lường trước.

Tin cùng chuyên mục