Xúc tiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm

Chiều tối 25-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cùng các sở ngành đã làm việc với Công ty K-water Hàn Quốc về việc dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm.

(SGGP).- Chiều tối 25-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cùng các sở ngành đã làm việc với Công ty K-water Hàn Quốc về việc dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết, TPHCM luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại TP, đặc biệt đối với doanh nghiệp Hàn Quốc. Dự án Tân Hóa - Lò Gốm là một dự án quan trọng của TP để xử lý nước thải nhằm bảo vệ môi trường. Vì vậy, TP sẽ cố gắng tìm nhà đầu tư tốt nhất để đầu tư nhà máy hoạt động tốt nhất. TP hoan nghênh hai công ty của Hàn Quốc cùng đề xuất xây dự án này. UBND TP đã đồng ý giao cho hai đơn vị nghiên cứu làm đề án đề xuất TP thời hạn cuối vào tháng 12-2016. Trước đó, TPHCM ký kết với Công ty Tài nguyên nước Hàn Quốc và Công ty Kỹ thuật Xây dựng Hanwha bản ghi nhớ nghiên cứu lập dự án xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm theo hình thức đối tác công tư.

Dự kiến, nhà máy được xây trên diện tích khoảng 22ha, công suất xử lý khoảng 300.000m³ nước thải/ngày với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD chưa bao gồm chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng. Dự án gồm 3 hạng mục chính là trạm bơm, đường ống chuyển tải và nhà máy xử lý nước thải. Trạm bơm chuyển tải nước thải công suất tối đa 480.000 m³/ngày đặt cuối kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn giáp đường Võ Văn Kiệt). Đường ống chuyển tải sẽ được đặt dọc theo đường Võ Văn Kiệt và quốc lộ 1A (dài 12,4 km) đưa nước thải về Nhà máy xử lý tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ xử lý toàn bộ lượng nước thải lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Hiện, toàn bộ lượng nước thải của hệ thống này được thu gom rồi xả thẳng ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé chứ chưa được xử lý. TPHCM cần đến 12 nhà máy xử lý nước thải nhưng hiện chỉ có hai nhà máy hoạt động, gồm nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (công suất giai đoạn một là 141.000m³/ngày) và nhà máy nước thải Bình Hưng Hòa (công suất 30.000 m³/ngày).

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục