Xung đột ở Syria chưa có lối thoát

Láng giềng Syria trong tình trạng chiến tranh
Xung đột ở Syria chưa có lối thoát

Ngày 30-6, tại Genève (Thụy Sĩ) đã diễn ra hội nghị quốc tế thảo luận về tình hình Syria. Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc họp, Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố không có gì chắc chắn các nước sẽ tìm được sự đồng thuận về kế hoạch chuyển giao chính trị tại Syria do Nga và Trung Quốc tiếp tục phản đối. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh “các thế lực bên ngoài” vẫn còn khuyến khích nạn bạo lực ở Syria, như lời đặc phái viên LHQ - Liên đoàn Arập Kofi Annan xác nhận.

Người Syria vẫn tiếp tục bỏ mạng trong cuộc xung đột kéo dài 16 tháng qua.

Người Syria vẫn tiếp tục bỏ mạng trong cuộc xung đột kéo dài 16 tháng qua.

Láng giềng Syria trong tình trạng chiến tranh

Các nguồn tin vùng Vịnh những ngày qua liên tục thông tin về hoạt động di chuyển quân lớn của Saudi Arabia tới các đường biên giới với Jordan và Iraq, sau khi Quốc vương Abdullah đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động cao trước khả năng diễn ra cuộc tấn công chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các đơn vị xe tăng, tên lửa, lính đặc nhiệm và các khẩu đội phòng không của Saudi Arabia tiến vào Jordan theo hai mũi: Một mũi sẽ bảo vệ Quốc vương Saudi Arabia chống lại nguy cơ có hành động trả đũa của Syria hoặc Iran từ phía Syria hoặc Iraq. Mũi thứ hai sẽ cắt đứt tuyến đường phía Bắc thông qua Jordan vào khu vực Đông Nam Syria, nơi sẽ thiết lập một vùng an ninh xung quanh các thị trấn trung tâm của cuộc nổi dậy Deraa, Deir al-Zour và Abu Kemal.

Jordan cũng được đặt trong tình trạng báo động chiến tranh. Các nguồn tin còn đề cập tới khả năng nổ ra một cuộc tấn công quân sự phương Tây - Ảrập - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Syria trong những ngày tới. Tương tự, Israel cũng cho biết sẽ tăng cường các hệ thống phòng thủ dọc biên giới Syria để chuẩn bị đối phó khả năng xảy ra cuộc tấn công và làn sóng người tỵ nạn Syria.

Trước những động thái chuẩn bị chiến tranh này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Nga để đàm phán với người đồng cấp Sergey Lavrov với hy vọng đạt được một dàn xếp chính trị để tránh sự can thiệp quân sự.

Chưa có tia sáng cuối đường hầm

Đặc phái viên LHQ - Liên đoàn Ảrập Kofi Annan cho biết “các thế lực bên ngoài” đã khuyến khích nạn bạo lực ở Syria, đồng thời khẩn thiết yêu cầu các nước thống nhất quan điểm trước thềm hội nghị quốc tế quan trọng về vấn đề xung đột ở nước này vào ngày 30-6.

Tờ Washington Post dẫn lời ông Annan cho hay: “Nhiều thế lực bên ngoài đã can dự rất sâu (vào Syria). Bất chấp sự thống nhất trên hình thức về kế hoạch 6 điểm, sự ngờ vực lẫn nhau đã làm họ bất hòa khi hợp tác... Dù có cố tình hay không, họ đã khuyến khích chính phủ và phe đối lập tin rằng bạo lực là giải pháp duy nhất”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho rằng Syria bị các lực lượng bên ngoài công kích do lập trường chống Israel của nước này.

Theo giới quan sát, giữa Mátxcơva và Washington vẫn tồn tại nhiều điểm bất đồng về cách thức giải quyết cuộc xung đột này, đặc biệt đối với kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan. Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết phái đoàn Nga đã hối thúc thực hiện các sửa đổi đối với kế hoạch của ông Annan. Lý do theo phía Nga là Mátxcơva (và Trung Quốc) không thể đồng thuận về một giải pháp chính trị mang tính áp đặt đối với Syria.

Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary tại Mátxcơva ngày 29-6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo sẽ “phản tác dụng” nếu các bên tìm cách áp đặt kết quả đối với tiến trình chuyển giao chính trị nhằm lập ra một chính phủ đoàn kết dân tộc tại Syria.

Trên trang cá nhân Twitter, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov viết: “Các đối tác phương Tây của chúng tôi muốn tự mình xác định kết quả tiến trình chính trị tại Syria mặc dù đó là công việc của người Syria. Chính người dân Syria phải thực hiện điều này”.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục