Xuống phố cùng người trẻ

Xuống phố cùng người trẻ

Bước sang thời của thế hệ 8X, 9X, khi đất nước hội nhập, giúp giới trẻ tiếp cận với một môi trường học tập, vui chơi giải trí lành mạnh và hiện đại. Đó là những hoạt động học tập, sinh hoạt đội nhóm trong các công viên và trên đường phố.

Ra đường để thực hành

Với một thành phố hiện đại và năng động, các bạn trẻ đã tự phá vỡ sự bó hẹp về không gian học tập. Họ dễ dàng nắm bắt cơ hội học tập, rèn luyện ở bất cứ đâu, dù là trong trường hay ngay cả trên đường phố.

Sớm nhất và có sức lan tỏa nhất có lẽ phải kể đến giới sinh viên kiến trúc. Cách đây rất nhiều năm, ký họa đã là một môn học có không gian mở và năng động của sinh viên ngành kiến trúc. Hình ảnh những bạn trẻ ngồi bệt trên vỉa hè, cầm trên tay tập giấy, cây viết chì, thỉnh thoảng lại giơ lên đo tỷ lệ để lưu lại những kiến trúc đặc sắc của thành phố ở các khu vực Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống Nhất, Công viên 30-4, phố đi bộ Nguyễn Huệ... mang phong cách rất riêng và khá hiện đại. Bùi Thị Huế (sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) tâm sự: “Ký họa ở ngoài trời, đặc biệt là trên những tuyến phố tấp nập, tạo cho em cảm giác hứng khởi và luôn có sáng tạo trong từng khung hình”. Trong khi đó, cô bạn Mai Lan Anh lại cho rằng vẽ trên đường phố thú vị nhất là cảm giác được những người đi đường nhìn vào sản phẩm của mình rồi để lại những nụ cười trìu mến.

Nhận thấy môi trường học tập trên phố có quá nhiều ưu thế, là cơ hội thực hành những lý thuyết đã học trên lớp, nhiều sinh viên của các ngành nghề khác nhau đã tìm đến đường phố và khai thác một cách đầy đam mê. Điều đó dễ dàng nhận thấy ở những bạn sinh viên ngành du lịch. Nếu như trước đây, sinh viên học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch thường chỉ có cơ hội luyện tập khi tham gia các chuyến thực tế đắt đỏ hoặc trong đợt thực tập cuối khóa ở các công ty du lịch, thì nay thế hệ trẻ đã năng động hơn khi tự tạo môi trường luyện tập cho mình. “Em và các bạn trong lớp thường chia nhau đi tới các điểm thu hút khách du lịch trên địa bàn thành phố, thấy đoàn nào là gia đình hoặc những du khách đi đơn lẻ, không có hướng dẫn viên thì tụi em xin phép họ cho đi cùng để giới thiệu về các địa danh mà họ tới. Ban đầu hơi mắc cỡ nhưng sau một hai ngày thì thấy khá hào hứng và cũng tự tin hơn, hiểu hơn về nghề mình đang học”, Phạm Mỹ Dung (sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn) cho biết. 

Đó còn là những ê kíp học trò quay những thước phim phóng sự về cuộc sống đời thường của người lao động hay về các tuyến phố nhộn nhịp và năng động. Là những cô cậu học ngành báo chí cũng máy ảnh, giấy bút lang thang ghi chép, trò chuyện với người dân, với du khách…

Một không gian vui chơi lành mạnh

Không chỉ là môi trường học tập mới, những năm gần đây, không gian công cộng còn là nơi các câu lạc bộ (CLB), đội nhóm sinh hoạt, vui chơi giải trí với sức lan tỏa lớn.

Một nhóm bạn trẻ chơi nhạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Trước đây, để được nghe những điệu nhạc mang phong cách “đường phố”, giới trẻ thường tìm đến Công viên 30-4 vào những ngày cuối tuần hoặc hàng đêm ghé lại quảng trường trước Nhà hát Thành phố. Kể từ khi phố đi bộ Nguyễn Huệ đưa vào hoạt động thì nơi này trở thành “đại bản doanh” của rất nhiều đội nhóm với nhiều loại hình giải trí khác nhau. Nhiều nhất là những nhóm nhạc với đàn guitar và trống cajon, ngồi quây thành vòng tròn, thỏa sức thả hồn vào những giai điệu trầm bổng trên đường phố. Phong cách này thu hút nhiều người dạo chơi trên phố cùng chung vui, có cả những vị khách nước ngoài cũng tham gia hưởng ứng. “Tôi thích sự hiện đại, năng động của giới trẻ trên con phố này. Thay bằng đi bar, chơi game hay vùi mình trong những quán nhậu, mỗi tối tụi trẻ tập trung chơi nhạc, vừa lành mạnh vừa mang lại niềm vui cho bản thân và những người xung quanh thì còn gì tuyệt vời hơn”, anh Dương Văn Hòa, một người thường xuyên dạo bộ trên phố Nguyễn Huệ, chia sẻ.  

Ngoài ra còn có các nhóm nhảy hip hop, nhóm trượt patin và nhiều CLB tình nguyện cũng chọn nơi này làm điểm họp nhóm và tổ chức các chương trình quyên góp. Vũ Hữu Bích Lan, thành viên CLB Nhân Ái cho biết, hiện công viên và đường phố là nơi lý tưởng để các nhóm thiện nguyện lan tỏa thông điệp sẻ chia đến với cộng đồng một cách trực tiếp. Từ đây, rất nhiều dự án thiện nguyện đã thành công và CLB có thêm những thành viên nhiệt tình, năng nổ.

“Thật ấn tượng! Vào năm 2004, tôi đã từng về TPHCM một thời gian, tôi thấy ngày ấy giới trẻ khá thụ động và nhút nhát. Sau 10 năm trở lại thì thế hệ trẻ hiện nay đã năng động hơn, tự tin hơn, chẳng thua kém gì giới trẻ phương Tây khi biết khai thác môi trường học tập, vui chơi đa dạng và đầy thú vị trên đường phố”, Kelvin Trần, một Việt kiều Australia, nhận xét.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục