Xuyên Việt ký họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt ấp ủ ý định “một mình một ngựa” rong ruổi từ Nam ra Bắc, đến khắp các tỉnh thành trong cả nước ký họa các chân dung của tất cả mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Và rạng sáng ngày 19-2 (mùng 6 Tết), bà quyết định một mình lên đường, bắt đầu chuyến hành trình để thực hiện tâm nguyện của đời mình.
Xuyên Việt ký họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt ấp ủ ý định “một mình một ngựa” rong ruổi từ Nam ra Bắc, đến khắp các tỉnh thành trong cả nước ký họa các chân dung của tất cả mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Và rạng sáng ngày 19-2 (mùng 6 Tết), bà quyết định một mình lên đường, bắt đầu chuyến hành trình để thực hiện tâm nguyện của đời mình.

Một mình, một “ngựa sắt”

Khi biết ý định về chuyến hành trình của bà, không ít người tỏ ra e ngại, bởi bà đã bước sang tuổi 62, lại phải một mình với “con ngựa sắt” cà tàng (chiếc xe máy hiệu Chaly) len lỏi đến từng huyện, về tận xã, ấp mà ai biết nó có thể “trở chứng” bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, biết bà đã dứt khoát nên không ai ngăn cản. Nhiều anh em đồng nghiệp ở Hội Mỹ thuật TPHCM động viên và căn dặn bà cẩn thận. Một người bạn là nữ nhà báo còn gởi 2 triệu đồng nhờ bà gởi đến các mẹ VNAH có hoàn cảnh khó khăn.

“Được các anh em đồng nghiệp, bạn bè động viên và chia sẻ, tôi vui lắm. Ngẫm lại tôi thấy mình chưa làm được gì nhiều nên muốn đi một vòng từ Nam ra Bắc, làm những gì có ích. Ký họa chân dung của các mẹ VNAH khắp các tỉnh thành trong cả nước là ý định ấp ủ từ rất lâu của tôi, giờ tôi mới có điều kiện thực hiện”, họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ.

Họa sĩ Đặng Ái Việt (trái) và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại Triển lãm kỷ niệm 95 năm thành lập Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: C.T.V.

Họa sĩ Đặng Ái Việt (trái) và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại Triển lãm kỷ niệm 95 năm thành lập Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: C.T.V.

Điểm dừng đầu tiên của bà là thị xã Long Khánh (Đồng Nai) tuy nhiên khi đến nơi thì được biết nơi đây không còn mẹ VNAH nào còn sống. Thế là bà tiếp tục xuôi ra TP Phan Thiết (Bình Thuận), liên lạc với địa phương thì nơi đây chưa làm việc. Không bỏ phí thời gian, bà thẳng hướng Ninh Thuận. Đến TP Phan Rang - Tháp Chàm bà mới biết ở đây chỉ còn duy nhất một mẹ VNAH còn sống…

Tối 16-3, qua điện thoại bà cho biết đã đến tỉnh Phú Yên, vừa từ xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) chạy đến huyện Sông Cầu. “Tối nay tôi nghỉ lại ở Sông Cầu để sớm mai tiếp tục công việc của mình. Dự kiến sáng ngày 18-3, tôi sẽ tiếp tục hành trình ra TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”, bà Ái Việt cho hay.

Trả nợ đời, nợ nghiệp

“Làm sao có thể kể hết công ơn của các mẹ VNAH. Chính các mẹ đã sinh ra những người con anh dũng, những người đã quên mình cho Tổ quốc, để chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình, tự do. Tôi muốn góp một phần nhỏ sức mình như một lời cảm ơn đến các mẹ, chỉ có thế thôi”, bà tâm sự khi nghe hỏi vì sao lại chọn đề tài ký họa chân dung các mẹ VNAH. Rồi bà đọc bài thơ Mẹ Việt Nam anh hùng do chính bà cảm hứng: “Mẹ trải máu tim hồng cho Tổ quốc/ Các con đi tô thắm non sông/ Núm ruột mẹ - con mang về với đất/ Mẹ Việt Nam!/ Con anh dũng - Mẹ anh hùng!”.

45 năm gắn bó với ngành mỹ thuật, ngoài công tác giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, bà bảo bà vẫn chưa làm được chút gì cho riêng mình.

“Tôi chỉ sợ mình chậm chân mà không đến kịp để gặp các mẹ VNAH bởi các mẹ phần đông đã già yếu. Đời nuôi dưỡng mình mình phải trả ơn cho đời, trả nợ cho nghiệp thôi”, bà nói chân tình.

Toàn bộ những tác phẩm bà thực hiện trong hành trình xuyên Việt lần này sẽ được trưng bày tại triển lãm nhằm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 sắp tới. Trước mắt, những tác phẩm đầu tiên sẽ được giới thiệu trong triển lãm dịp 30-4 tới đây.

MINH AN 

 

Tin cùng chuyên mục