Một trong những bài học lớn đã được Đảng đúc kết tại Đại hội Đảng lần thứ XI là sức mạnh chính của Đảng nằm ở sự gắn bó máu thịt với dân. Sự gắn bó ấy không thể tách khỏi việc nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin thông qua việc lãnh đạo giải quyết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của dân.
Với tinh thần thẳng thắn, Đảng ta đã vạch rõ: “Từ khi Đảng ta lãnh đạo chính quyền trên cả nước, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân bị giảm sút, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng… Một bộ phận cán bộ, đảng viên nặng tính quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, chuyên quyền, độc đoán, ức hiếp nhân dân, tham ô, hối lộ, sống xa hoa, lãng phí. Các đoàn thể quần chúng cũng bị quan liêu hóa, hành chính hóa, không đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tập hợp các tầng lớp nhân dân…”. Sự chuyển biến trong lĩnh vực này còn rất hạn chế.
Nhìn lại lịch sử ta sẽ thấy không chỉ ở Việt Nam, thường những đời vua đầu bao giờ cũng anh minh, sáng suốt. Bởi vì họ là những người tạo lập nên sự nghiệp bằng sức lực, bằng trí tuệ của mình và họ theo đuổi những lý tưởng rất vĩ đại, rất sâu xa để xây dựng nên vương triều vững mạnh. Nhưng đến đời con cháu thì tha hóa, các vị ấy sống trong nhung lụa, không còn biết đến thời kỳ gian khổ, nếm mật nằm gai nữa. Họ dần dần xa rời nhân dân, suy thoái đạo đức như Lênin đã từng cảnh báo: “Cái chết về đạo đức là tiền đề chắc chắn dẫn đến cái chết về chính trị…”. Nhân dân mong rằng Đảng ta không bao giờ bước theo vết xe đổ ấy, mà phải vươn lên vững mạnh trong thời kỳ mới.
Thời chiến, đảng viên hăng hái xung phong gương mẫu “ăn cơm đi sau, lội nước đi trước”. Ra trận phải xông lên trước, hình ảnh hy sinh anh dũng của đảng viên trong nhà tù, trên chiến trường mãi mãi khắc đậm trong lòng dân, làm cho dân tin vào Đảng. Bây giờ, nhiều khi người dân muốn gặp được cán bộ chủ chốt từ cấp phường xã trở lên rất khó. Có nhiều nguyên nhân.
Trên thực tế không ít cán bộ đảng viên chỉ mới nói mà chưa làm được như mình nói, còn để dân sợ, dân ghét, không tin. Nguyên nhân là từ trong nhận thức, tình cảm đến biểu hiệu công việc hàng ngày của họ chưa thật sự kính trọng dân, chưa coi dân là gốc.
Bác Hồ kính yêu, ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Người đã ra thông báo Về việc tiếp chuyện các đoàn thể. Ở cương vị cao nhất đất nước, bận trăm công ngàn việc, giữa thời điểm nước sôi lửa bỏng vô cùng phức tạp ở trong nước và thế giới, khi nhà nước mới ra đời mà Người đã nghĩ ngay đến việc tiếp dân. Người thông báo công khai, cụ thể: “1. Gửi thư nói trước để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi chờ đợi mất công. 2. Mỗi đoàn đại biểu xin chớ quá 10 vị. 3. Mỗi lần tiếp chuyện xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ” (Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 3 trang 11). Với thái độ chu đáo, Người coi việc tiếp dân là một nhiệm vụ chính trị để nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, nhằm giải quyết và trả lời kịp thời yêu cầu của dân…
Điều mong muốn đầu tiên của người dân là phải thực hiện dân chủ thật sự. Chỉ có dân chủ mới tập hợp được dân, mới tạo ra nguồn sức mạnh. Thứ hai là người dân mong muốn những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và nhà nước phải thường xuyên đến thăm dân ở nhưng nơi dân bức xúc, những điểm “nóng”, có giải pháp kịp thời giải tỏa những bức xúc của dân, như thế mới giữ được niềm tin trọn vẹn của dân.
Đảng phải luôn đổi mới, đổi mới để ngăn chặn suy thoái. Đảng phải xứng đáng hơn với niềm tin yêu của dân.
Lê Văn Hiếu