Gần đến ngày bế giảng năm học, con tôi háo hức chuẩn bị thiệp, quà tặng cho bạn bè, thầy cô. Nhưng, mấy ngày nay, tôi thấy cháu rất buồn. Hỏi ra mới biết, cháu không được dự lễ bế giảng năm học vì lọt ngoài “top 5” HS tiêu biểu của lớp. Năm nay, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo làm lễ tổng kết tại Nhà hát Hưng Đạo nên số lượng HS tham gia giới hạn, chỉ vài suất cho HS đứng đầu mỗi lớp. Và con tôi, dù đã đạt HS giỏi của năm học cũng đành ngồi nhà như bao bạn HS chưa giỏi khác.
Thiết nghĩ, ngày bế giảng là một trong những kỷ niệm dễ thương trong ký ức tuổi thơ của các em HS. Đây là dịp để các em gặp gỡ, ôn lại vui buồn của một năm học, để rồi chia tay nhau 3 tháng hè. Nhưng hiện nay, nhiều trường học trong TP chỉ dành riêng ngày quan trọng này cho những HS giỏi. Nhiều trường như Trường TH Trần Hưng Đạo quận 1, Trường THCS Thực hành Sài Gòn… đã làm như thế. Trong khi đó, HS ở những bậc học này còn rất nhỏ, các cháu rất dễ mặc cảm khi bị phân biệt đối xử. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng xót xa khi có con rơi vào diện không được dự lễ.
Theo giải thích của một số giáo viên chủ nhiệm thì làm vậy để các em còn lại cố gắng năm sau đạt học sinh giỏi. Có người nói sân trường không đủ rộng để tất cả HS được dự lễ. Cách giải thích này không thỏa đáng và càng không lấp đầy được mặc cảm ở các em. Hay đó là lời giải thích hoa mỹ cho căn bệnh thành tích - mục tiêu hàng đầu của các trường?...
Bất cứ ai trong số chúng ta có con em không được dự lễ bế giảng năm học đều thấy rất rõ các em buồn như thế nào. Do đó, phụ huynh HS chúng tôi mong nhà trường đừng quá phân biệt kết quả học tập của các em và trả lại cho các em những ký ức dễ thương, hồn nhiên trong những năm tháng học tập đầu đời.
Phan Điền