Ý nghĩa lớn của một cuộc vận động

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang được triển khai rộng khắp các địa phương, bộ ngành, các tổ chức đoàn thể trong cả nước. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, “cuộc vận động đã đi vào cuộc sống, tạo một bước chuyển biến về nhận thức”.

Ở các quận huyện, sở ngành của TPHCM, việc triển khai cũng đang được đẩy mạnh. Nhiều cuộc thi “kể chuyện về Bác Hồ” đã được tổ chức có chất lượng. Có nơi đã triển khai linh hoạt bằng cách tổ chức đọc những mẩu chuyện về Bác Hồ sau các buổi lễ chào cờ đầu tuần.

Có nơi, mỗi cán bộ, nhân viên, đảng viên đều lập sổ nhật ký, ghi lại những hành động, những nhận thức của cá nhân hàng ngày, làm cơ sở để báo cáo, kiểm tra, đánh giá kết quả việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ” qua các cuộc họp hàng tháng, hàng quý…

Những nỗ lực đó là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, điều đáng nói là có nơi chỉ dừng lại ở việc tổ chức đọc tài liệu hoặc thi kể chuyện. Có nơi thì việc học tập chỉ triển khai xuống cấp dưới – cấp nhân viên thừa hành. Còn lãnh đạo thì coi như biết rồi, khỏi học!?

Phát biểu trong buổi họp đánh giá kết quả bước đầu của cuộc vận động tổ chức tại Hà Nội ngày 26-9 vừa qua, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được lấy làm điểm khởi động để đưa đất nước ta bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Ý thức về tầm quan trọng của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như vậy nên TƯ đã phân công chính đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, đồng chí Thường trực Ban Bí thư làm Phó trưởng ban thường trực.

Một cuộc vận động lớn, liên quan đến việc nâng cao sức mạnh của Đảng và tốc độ phát triển của đất nước, vì vậy, không chỉ nhằm “tạo chuyển biến về nhận thức” mà còn phải “chuyển biến từ nhận thức đến hành động”. Qua tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người – nhất là cán bộ đảng viên - có thể “soi” vào hành vi, trách nhiệm, hiệu quả trên cương vị công tác của mình. Đó là cơ sở để tập thể phát hiện, công nhận và tôn vinh điển hình, cá nhân tiên tiến xuất sắc, những “Người tốt, việc tốt” theo tấm gương Bác Hồ.

Đồng thời, đó cũng là cơ sở để phát hiện những cá nhân - nhất là cá nhân giữ cương vị lãnh đạo – ngồi “nhầm chỗ”. Bởi vì, đối với những biểu hiện như quan liêu, xa rời quần chúng, bè phái, cục bộ, cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, coi thường pháp luật… thì tấm gương đạo đức Bác Hồ thực sự là “tấm kính chiếu yêu” - soi vào, mọi cái xấu sẽ hiện rõ! Do vậy, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động rộng rãi, mọi giới, mọi đối tượng, nhưng trước hết phải là các cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo.

Lãnh đạo càng cao thì yêu cầu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” càng cao hơn, cụ thể hơn. Càng có nhiều cán bộ lãnh đạo học và làm theo được “tấm gương đạo đức Bác Hồ” thì Đảng ta càng mạnh, chính quyền càng vững, tham nhũng tiêu cực càng được loại trừ thì đất nước càng phát triển. Ý nghĩa lớn của cuộc vận động, chính là như vậy! 

NGUYỄN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục