Y tế dự phòng - yếu tứ bề

Trong khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là các dịch bệnh có tính chất nguy hiểm lây lan toàn cầu, nhưng công tác y tế dự phòng của TPHCM vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Trong đó đáng chú ý là đội ngũ nhân lực chưa được chú trọng, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị chưa đúng tầm…
Y tế dự phòng - yếu tứ bề

Trong khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là các dịch bệnh có tính chất nguy hiểm lây lan toàn cầu, nhưng công tác y tế dự phòng của TPHCM vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Trong đó đáng chú ý là đội ngũ nhân lực chưa được chú trọng, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị chưa đúng tầm…

Nhân viên y tế dự phòng đang tiến hành phòng chống dịch bệnh.

Bác sĩ… chê

Thay vì mỗi buổi chiều sau giờ hành chính có thể ngồi khám ở phòng mạch tư kiếm thêm thu nhập để cải thiện đời sống thì bác sĩ M. (đang công tác tại một trung tâm y tế dự phòng quận) lại đi chơi… cầu lông. “Kinh tế gia đình chẳng khá giả gì, lại có chuyên môn bác sĩ điều trị nhưng xin phép mở phòng mạch thì Sở Y tế không cho”, bác sĩ M. than thở. Qua tìm hiểu, không ít bác sĩ công tác tại các trung tâm y tế dự phòng của TPHCM lẫn quận, huyện đều có chung tâm trạng như bác sĩ M. vì cùng được đào tạo y khoa bài bản nhưng không được hành nghề! Một lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cũng băn khoăn vì trong lúc những đồng nghiệp thuộc lĩnh vực điều trị có thể lao động kiếm tiền thêm thì các bác sĩ hoạt động trong khối dự phòng thu nhập không đủ sống. Người cũ bỏ đi, bác sĩ mới ra trường không muốn về, y tế dự phòng không chỉ thiếu trang thiết bị mà còn hụt nhân sự…

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 31-12-2013, số cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực dự phòng chỉ chiếm 12,2% tổng số nhân lực toàn ngành (theo chỉ tiêu ít nhất phải chiếm 30%). Số cán bộ y tế trình độ chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ của cả hệ thống dự phòng thành phố chỉ có 47 người. “Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao tại các tuyến dự phòng đang là một thách thức quá lớn đối với ngành y tế dự phòng thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực pháp y, dân số kế hoạch hóa gia đình, HIV/AIDS”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế TPHCM, cho biết. Hiện thành phố có 2.115 y, bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực dự phòng nhưng căn cứ theo quy định của Bộ Y tế, định mức biên chế đối với một trạm y tế tối thiểu là 5 người, tối đa 10 người thì thành phố cần bổ sung ít nhất 1.065 cán bộ y tế cho lĩnh vực dự phòng.

Theo các chuyên gia y tế, việc thu hút nhân lực cho y tế dự phòng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Các bác sĩ đến xin việc chỉ làm một thời gian ngắn rồi xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc. Đơn cử như Trung tâm Y tế dự phòng quận 4, năm 2007 có 37 bác sĩ nhưng đến nay chỉ còn 12 bác sĩ; Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh năm 2007 có 31 bác sĩ nhưng nay chỉ còn 16 người. Một trong những nguyên do được xác định là chính sách đãi ngộ thấp, công việc vất vả, thậm chí nguy hiểm và độc hại. “Người cao nhất mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 13 triệu đồng, người thấp nhất chỉ có 3,5 triệu đồng. Mức thu nhập bình quân chung của nhân viên y tế dự phòng chỉ được 6,7 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết.

Thiếu đầu tư

Sau khi có chủ trương tách y tế dự phòng ra khỏi trung tâm y tế quận, huyện từ năm 2006, vai trò của y tế dự phòng quận, huyện gần như tê liệt trong thời gian chuyển đổi. Nhiều quận, huyện khi tách y tế dự phòng ra nhưng không có trụ sở, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị èo uột. Bình quân trung tâm y tế dự phòng mỗi quận, huyện chỉ có 3 - 4 cán bộ chuyên trách phòng chống dịch bệnh. Mặc dù theo báo cáo của ngành y tế TPHCM thì y tế dự phòng đã được đầu tư với gần 30% tổng mức ngân sách chi cho hoạt động y tế hàng năm, nhưng xem ra vẫn chưa thấm vào đâu. Ngay cả thiết bị dự trữ vaccine cũng có quận, huyện chưa đáp ứng. Hiện tất cả trung tâm y tế dự phòng của 24 quận, huyện đều không đủ khả năng dự trữ vaccine, hóa chất nguyên cả năm. Ngoài một số quận, huyện có thể dự trữ được trong vòng 3 - 6 tháng, hầu hết các quận, huyện còn lại chỉ dự trữ được khoảng 1 - 2 tháng. Điều này ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng khá lớn trong phòng ngừa bệnh dịch. Đó là chưa kể các thiết bị máy móc như hệ thống xét nghiệm, phun xịt hóa chất hay ngay cả trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ y tế dự phòng trong các đợt chống dịch cũng hạn chế…

Với những hạn chế trên nên nhiều năm qua công tác phòng chống dịch bệnh thường được “đổ” cho trạm y tế các phường, xã. Trong khi trạm y tế không có vai trò chủ động giám sát, phòng chống dịch nhưng phải chạy theo dịch bệnh và chờ chỉ đạo là chính. Theo quy định, mỗi phường, xã đều có tổ chống dịch bệnh do UBND phường thành lập, chỉ đạo. Thành phần của tổ là nhân viên trạm y tế phường, cán bộ trật tự đô thị và các tổ trưởng tổ dân phố. Mặc dù tổ chống dịch cũng được tập huấn kiến thức nhận biết bệnh, kỹ thuật phun thuốc, vệ sinh diệt trùng, diệt muỗi, lăng quăng nhưng thành phần chủ yếu là kiêm nhiệm và trình độ chuyên môn hạn chế. Quy trình hoạt động của tổ chống dịch cũng theo kiểu có ca dịch thì làm, không thì thôi. Thậm chí, mỗi lần có dịch, tập hợp tổ chống dịch cũng không đủ quân số. Và do không đủ quân số nên không ít trạm y tế phường thuê luôn “đội quân” bên ngoài đi phun xịt hóa chất mỗi khi có dịch hoặc theo định kỳ. “Cán bộ trung tâm y tế dự phòng pha thuốc rồi mới thuê họ đi phun nên không lo về chuyên môn”, một cán bộ y tế dự phòng quận cho biết. Thế nhưng, liệu ai giám sát “đội quân” đi phun thuê có phun đúng quy trình hay không! Sự thực này được nhiều cán bộ y tế dự phòng TPHCM thừa nhận nhưng đó là kiểu “chữa cháy” vì khoa kiểm soát dịch bệnh của hầu hết các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện tuyển mãi không được người.

Các loại bệnh tật ngày càng diễn biến khó lường, bao gồm các bệnh truyền nhiễm, các bệnh xã hội, bệnh mạn tính không lây do ăn uống, vận động... Riêng các loại bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi hoành hành dữ dội trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã cho thấy y tế dự phòng đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Để giải quyết những khó khăn về nguồn nhân lực, UBND TP đã chỉ đạo các trường mở rộng đào tạo cho hệ dự phòng như bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, trung cấp xét nghiệm, y sĩ y học dự phòng. Năm 2014 là năm đầu tiên 50 bác sĩ y học dự phòng khóa 1 (niên khóa 2008 - 2014) tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM nhưng chưa thấm vào đâu. Các lĩnh vực đào tạo ngắn hạn, dài hạn, học từ xa cũng được chú trọng.

Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị UBND TP điều chỉnh tăng hệ số theo mức lương, phụ cấp đối với nhân viên y tế dự phòng; tạo điều kiện cho các y, bác sĩ y tế dự phòng có chứng chỉ hành nghề y dược tư nhân để hành nghề, triển khai phòng khám tư vấn, khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu… cải thiện thu nhập.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục