Nếu như trước đây, các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, viễn thông và sản xuất của Mỹ là những lĩnh vực cung cấp thị phần hoạt động cho các cơ sở nhận gia công của Ấn Độ, thì nay chăm sóc y tế là một ngành công nghiệp đầy hứa hẹn cho nhân công ở cả Ấn Độ và Philippines khi hàng loạt công ty chăm sóc sức khỏe của Mỹ đang bắt đầu chuyển các dịch vụ y tế ra khỏi nước Mỹ. Tuy nhiên, đối với người Mỹ, xu hướng này rất đáng lo ngại trong bối cảnh thất nghiệp ở Mỹ vẫn còn cao.
Luật pháp Mỹ không cấm đưa dữ liệu y tế cá nhân ra khỏi nước này, nên các công ty bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe đã chuyển việc làm cho các “cơ sở” ở Ấn Độ và Philippines nhằm cắt giảm chi phí hành chính trong nước từng chiếm đến 41% số tiền chi cho dự án y tế. Phần lớn các công việc được đưa ra nước ngoài “gia công” bao gồm cái gọi là “dịch vụ tiền trạm điều dưỡng”, trong đó các nhà chuyên môn tại các chi nhánh của công ty bảo hiểm y tế giúp đánh giá nhu cầu của bệnh nhân và xác định các liệu pháp điều trị trước khi đưa bệnh nhân sang Mỹ điều trị. Tuy nhiên, lực lượng gia công nước ngoài đã giành mất hàng ngàn việc làm trong ngành y tế nội địa Mỹ. Đi đầu xu hướng này là WellPoint Inc., một trong những công ty bảo hiểm y tế lớn nhất của Mỹ.
Trong năm 2010, WellPoint thành lập một đơn vị kinh doanh riêng biệt, dịch vụ Radiant, nhằm thúc đẩy gia công phần mềm và các chiến lược tiết kiệm chi phí khác. Năm ngoái, WellPoint đã thu được lợi nhuận 2,65 tỷ USD trong tổng doanh thu 60,7 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng số nhân viên người Mỹ của công ty này cũng đã bị giảm từ 40.500 xuống còn 37.700. Theo Bộ Lao động Mỹ, WellPoint còn cắt giảm thêm hàng trăm việc làm tại Mỹ trong 18 tháng qua, mới đây, WellPoint đã sa thải lực lượng y tá ở bang Colorado và Nevada vì đã đưa nhiều khâu tư vấn và khám sức khỏe ban đầu sang Manila “gia công”.
Aetna Inc. có một “hợp đồng gia công” với EXL Service đang hoạt động ở Manila, chuyên cung cấp dịch vụ “hỗ trợ quản lý chăm sóc”. Health Net Inc. thì đang sa thải hàng chục nhân viên kiểm toán và công nghệ thông tin, sau khi việc làm của họ được đưa sang Ấn Độ.
Hiện không rõ đã có bao nhiêu công ty chăm sóc y tế của Mỹ đã chuyển việc làm ra nước ngoài nhưng theo Los Angeles Times, các công ty đang tăng cường tìm kiếm các lực lượng gia công dịch vụ y tế khắp toàn cầu khi mà họ phải đối mặt với áp lực chi phí y tế ngày càng lớn và sự thay đổi trong phương thức kinh doanh kể từ sau khi dự luật cải cách y tế được thông qua, theo đó yêu cầu các công ty bảo hiểm phải chi từ 80% đến 85% phí bảo hiểm chăm sóc y tế và giới hạn chi phí hành chính.
Đưa việc cho Philippines gia công, các công ty Mỹ đã tiết kiệm 30% chi phí nhân công, phần nào đó tạo việc làm cho người Philippines. Và có thể nói xu hướng này cũng giúp bệnh nhân ở các nước này giảm được chi phí khi muốn sang Mỹ chữa bệnh. Với mục tiêu đảm bảo lợi nhuận cao, xu hướng “xuất ngoại việc làm” được đánh giá là lực hút khó cưỡng của các bệnh viện Mỹ.
Xuân Hạnh