Ý thức và trách nhiệm

Nếu dựa vào thứ hạng để đánh giá chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM ta có thể đưa ra hai dẫn chứng đắt giá. Cụ thể, TPHCM được xếp vào tốp 10 thành phố lớn trên thế giới có chất lượng không khí ô nhiễm nhất. Và cũng trong tốp 10 này TPHCM cũng là một trong 10 thành phố chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Chỉ với hai vị trí trên cũng đủ để thấy chất lượng môi trường tại TPHCM đang bị đe dọa nghiêm trọng. Những tổn hại đến đời sống kinh tế, sức khỏe của người dân nơi đây, dù chưa được thống kê đầy đủ nhưng cũng có thể nói lên những hệ lụy hết sức nghiêm trọng. Điển hình số lượng người mắc các bệnh liên quan đến hệ hô hấp không ngừng tăng theo từng năm. Số lượng người tăng theo cũng tính trên đơn vị hàng ngàn người trở lên. Về tài nguyên, diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp không ngừng bị thu hẹp cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Không đơn thuần là diện tích đất bị ngập mặn do bị xâm nhập mặn mà còn bị ô nhiễm do chất thải phát sinh từ hệ thống doanh nghiệp, khu công nghiệp sản xuất thải ra. Hệ thống kênh rạch gần như đã bị vô hiệu hóa các chức năng cần thiết và chỉ còn duy nhất chức năng dẫn nước thải. Nhiều khu dân cư, kênh rạch ngập ngụa trong rác mà không có cách nào xử lý triệt để…

Để có thể tự cứu chất lượng môi trường sống tại TP được mệnh danh là đầu tàu kinh tế của nước ta, nhiều hoạt động chuyên môn cũng như phong trào đã không ngừng diễn ra. Hàng ngàn đoàn viên, thanh niên, sinh viên và học sinh đã không tiếc sức mình để hòa vào chương trình vận động cộng đồng sống xanh, thực hiện những hành vi có lợi cho môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận lớn người dân chưa tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Bằng nhiều cách khác nhau họ vẫn đang trực tiếp xả chất thải phát sinh trong cuộc sống sinh hoạt ra môi trường không đúng nơi quy định. Còn hàng ngàn doanh nghiệp vẫn ưu tiên lợi nhuận mà bỏ qua công đoạn xử lý chất thải.

Với cơ quan chức năng, dù đã được thành lập khá lâu và khá nhiều bộ phận chức năng tham gia, nhưng bên cạnh những dự án cải thiện chất lượng môi trường đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực, vẫn còn nhiều bất cập chưa được khắc phục. Đơn cử như việc phân công, phân nhiệm giữa các lực lượng tham gia quản lý trong lĩnh vực môi trường không rõ ràng, minh bạch nên thường xuyên xảy ra tình trạng chồng chéo trong thanh kiểm tra. Hơn nữa, chất lượng thanh kiểm tra cũng rất kém. Trên thực tế, việc thanh kiểm tra trong lĩnh vực môi trường chủ yếu tập trung vào hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp lớn là chính. Có một thực tế là những doanh nghiệp dù đã chấp hành rất tốt Luật Bảo vệ môi trường thì rất thường xuyên bị kiểm tra. Trong khi đó, những cơ sở sản xuất có quy mô khá nhỏ, vừa thường xuyên là đối tượng gây ô nhiễm nghiêm trọng lại không mấy được viếng thăm. Một khía cạnh khác, hiện thực trạng xả rác, chất thải trên dọc hệ thống đường phố, kênh rạch và tại các khu dân cư do người dân là đối tượng gây ra thì lại chưa có cơ quan chức năng nào xử lý.

Có thể nói, với những gì mà một bộ phận cộng đồng, doanh nghiệp đang hành xử với môi trường, rõ ràng chúng ta đang nợ hiện tại và vay tương lai. Nếu số nợ trên không thể giảm trong vài năm tới thì số vay tương lai sẽ được báo trước là rất nặng nề. Đến thời điểm đó, liệu những lợi nhuận thu được cho kinh tế có đủ để bù đắp cho hậu quả của ô nhiễm môi trường!

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục