Tạo thêm sân chơi cho trẻ em

Yêu cầu cấp thiết

Thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất
Yêu cầu cấp thiết

TPHCM hiện có trên 1,7 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 23% dân số TP. Dân số trẻ tăng nhanh, nhu cầu vui chơi, giải trí của đối tượng này cũng tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng, việc đầu tư, tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh, hiện đại, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi thanh thiếu niên chưa theo kịp. Bài toán sân chơi cho trẻ em - “cung không đủ cầu” ở TPHCM phải tháo gỡ từ đâu?

Đến khu vui chơi thiếu nhi Khánh Hội (quận 4), trẻ em được miễn phí các trò chơi. Ảnh: Kim Ngân

Đến khu vui chơi thiếu nhi Khánh Hội (quận 4), trẻ em được miễn phí các trò chơi. Ảnh: Kim Ngân

Thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất

Có lẽ quận 4 là một trong số ít quận nội thành mạnh dạn quy hoạch, ưu tiên dành quỹ đất để đầu tư sân chơi cho thiếu nhi với quy mô rộng lớn (13.000m2) kèm nhiều loại hình vui chơi giải trí phong phú, hấp dẫn và phần lớn các trò chơi được miễn phí. Vào những giờ cao điểm, nhất là dịp cuối tuần, Khu vui chơi thiếu nhi Khánh Hội thu hút gần 2.000 lượt thanh thiếu niên đến sinh hoạt, vui chơi.

Thời gian qua, giá như quận, huyện nào cũng ưu tiên dành quỹ đất để tạo không gian công cộng giàu tính nhân văn như sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em thì cái được về mặt xã hội rất lớn. Điểm lại, 10 năm qua thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, TPHCM đã đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà thiếu nhi, trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, nhà văn hóa phường, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa, rạp chiếu phim…

Song song đó, chủ trương xã hội hóa cũng thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn đầu tư dịch vụ kinh doanh trò chơi, giải trí cho trẻ. Xét về số lượng thì TPHCM là địa phương có nhiều điểm vui chơi giải trí nhất cả nước. Thế nhưng, xét về chất lượng - nội dung hoạt động thì nhiều sân chơi còn đơn điệu về loại hình, thiếu đầu tư đổi mới trang thiết bị, trò chơi mới, hiện đại phù hợp với tâm lý, lứa tuổi các em.

Tại các công viên, nhà thiếu nhi quận, huyện, các trò chơi phổ biến là đu quay, bập bênh, được đầu tư nhiều năm nay đã hoen rỉ, xuống cấp, không hấp dẫn trẻ nhỏ. Công viên là điểm vui chơi lý tưởng của trẻ em, vậy mà nhiều bậc cha mẹ ngán ngại đưa con vào vì thấy nó xô bồ, ẩn chứa nhiều tệ nạn xã hội. Các công viên lớn, đủ tiêu chuẩn như Suối Tiên, Đầm Sen, Công viên nước… thì giá cả vượt khả năng của các gia đình có thu nhập trung bình, nghèo khó. Riêng loại hình giải trí cần đầu tư phát triển như xiếc, múa rối thì nhiều năm qua vẫn chưa có nơi hoạt động ổn định, chỉ vì thiếu kinh phí, mặt bằng.

Nhìn lại, các sân chơi phần nhiều dành cho lứa tuổi thiếu nhi, còn loại hình cho độ tuổi thanh, thiếu niên 15 - 18 vừa ít vừa đơn điệu. Đáng quan tâm nữa, mức thụ hưởng phúc lợi văn hóa giữa khu vực nội thành và ngoại thành vẫn còn khoảng cách - bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP, nhận định.

Giải pháp khả thi?

TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng cần xem lại quan niệm về sân chơi và thiết kế nội dung sinh hoạt. Thực tế cho thấy, sân chơi không thuần túy để chơi mà còn là nơi rèn luyện kỹ năng, trang bị kiến thức đối phó với những đổi thay, cám dỗ của cuộc sống thời kỹ thuật số. Do nhu cầu vui chơi, giải trí, giảm căng thẳng trong học tập của trẻ ngày càng lớn nên việc đầu tư xây dựng những sân chơi đa dạng, phong phú và mang ý nghĩa “học mà chơi, chơi mà học” vô cùng cấp thiết.

Theo các nhà xã hội học, thiết chế văn hóa, giải trí phục vụ con người là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng sống của các quốc gia nói chung và đô thị nói riêng. Trẻ em không thể phát triển và hình thành nhân cách một cách toàn diện nếu không được tham gia các hoạt động giải trí bổ ích. Ở đô thị của các nước phát triển, người ta đặc biệt quan tâm quy hoạch các công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí, thể thao, tạo bộ mặt riêng cho đô thị. Còn chúng ta, tuy có quan tâm nhưng làm chưa bài bản và thiếu tầm nhìn, chưa tạo ra không gian vui chơi giải trí cộng đồng cho trẻ em như tạo dựng các vườn hoa, sân chơi nhỏ có cây xanh, bóng mát, có ghế ngồi lẫn dụng cụ thể thao cố định. Chính vì thế, cứ vào mùa hè lại thấy cảnh trẻ em tận dụng vỉa hè, thậm chí lòng đường, làm nơi đá banh, chơi cầu…, bất chấp nguy hiểm.

Hiện chưa có một khảo sát xã hội mang tính sâu rộng, bài bản về nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em cũng như tỷ lệ được thụ hưởng nhu cầu chính đáng này ở các khu vực dân cư từ nội thành đến ngoại thành. Tuy nhiên, phải chăng vì thiếu sân chơi lành mạnh, bổ ích nên trẻ em sa chân nhiều hơn vào các tệ nạn xã hội, những trò chơi tiêu cực như nghiện internet, game online? Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng tạo thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ là việc không thể chậm trễ.

Để thực hiện được điều này, TS Nguyễn Thị Hậu kiến nghị: Cần thay đổi cách nghĩ, cách hiểu của người lớn về nhu cầu vui chơi của trẻ em để tìm ra phương thức phù hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của giới trẻ. Nhà nước cần ưu tiên xây dựng sân chơi cho trẻ ở những khu vực dân cư mà tư nhân không mặn mà đầu tư như vùng nông thôn, quận ven, huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất và dành cho trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cần có chính sách ưu đãi trong đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn, hiện đại như dành quỹ đất, tăng ngân sách và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh các loại hình giải trí hiện đại như các nước đã làm. Mô hình công viên vui chơi giải trí nổi tiếng trên thế giới Disney Land là ví dụ điển hình.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục