Yêu cầu giám sát thực hiện lương tối thiểu vùng 2016

(SGGP).- Ngày 9-3, Bộ LĐTB-XH vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các quy định về lương tối thiểu vùng năm 2016 cho người lao động và giám sát, đánh giá việc doanh nghiệp thực hiện lương tối thiểu vùng 2016.

Theo đó, các địa phương tổ chức tìm hiểu điểm được hoặc chưa được, nguyên nhân và cách thức điều chỉnh mức lương trong thang lương, bảng lương theo hợp đồng lao động của người lao động tại các mô hình doanh nghiệp; tổng hợp số liệu về tình hình thực hiện lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp; số thực hiện cao hơn, thấp hơn theo vùng và loại hình doanh nghiệp gửi Bộ LĐTB-XH. Trong trường hợp doanh nghiệp có đề xuất điều chỉnh vùng, Bộ LĐTB-XH yêu cầu các sở LĐTB-XH phối hợp với các liên đoàn lao động địa phương và chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để trao đổi với ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (nếu có), các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân cho biết, đợt khảo sát, đánh giá là cơ sở để Hội đồng Tiền lương quốc gia làm căn cứ tính toán mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 đảm bảo cân nhắc các yếu tố để tính mức sống tối thiểu của người lao động, khảo sát thực tế tình hình thu nhập của người lao động, đánh giá tác động của chính sách tiền lương đối với cuộc sống người lao động và lợi ích của doanh nghiệp.

Cũng liên quan tới lương tối thiểu vùng mà doanh nghiệp đáp ứng cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đã có công văn gửi liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và các tổng công ty về việc tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị định 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng năm 2016; đồng thời có chương trình khảo sát, đánh giá riêng để nắm bắt tình hình thu nhập, đời sống của người lao động làm cơ sở đề xuất tăng cho năm 2017 vào quý 3-2016.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục