Giáo viên mầm non đạt giải thưởng Võ Trường Toản 2016
Vui nhưng cực kỳ vất vả, đó là mô tả ngắn gọn nhất về công việc của một giáo viên mầm non. Cùng theo đuổi nghề giáo, nhưng khác với đồng nghiệp ở các bậc học khác, giáo viên mầm non vừa là người thầy, vừa phải đóng vai trò người cha, người mẹ dìu dắt học sinh bước qua những năm tháng chập chững đầu tiên trong cuộc đời.
“Người mẹ thứ hai”
Cô giáo Ngô Trịnh Hòa Hiệp, Trường Mầm non Quận (quận 11), cho biết người đầu tiên cô chia sẻ niềm vui đạt giải thưởng năm nay là mẹ. “Mẹ tôi luôn hãnh diện vì có con làm giáo viên. Ngay hôm nhận được tin báo, bà đã mừng rỡ khoe với hàng xóm và tính chuyện đi may áo dài mới để mặc trong ngày tôi nhận giải”, cô hạnh phúc bày tỏ. Nhớ lại trước đây, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô không nghĩ mình sẽ theo nghề giáo. Hơn 2 năm ngược xuôi phụ mẹ buôn bán, qua gợi ý của một người bạn, cô đánh liều nộp hồ sơ vào ngành sư phạm. Càng dấn thân vào công việc mới mẻ này, cô càng thấy yêu và biết mình sẽ gắn bó mãi mãi với nghề. Trong lớp cô hiện nay có 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, không còn mẹ, phải sống với ba và ông nội. Trái tim người thầy đã thôi thúc cô phải bù đắp tình cảm nhiều hơn cho học trò. Cô đã tận tay chọn mua từng chiếc áo, cái đầm, đôi khi vài ba chiếc kẹp tóc…, những món quà tuy không lớn về giá trị vật chất nhưng là tình cảm chân thành cô dành cho học trò. Nhận xét về cô Hiệp, đồng nghiệp trong trường đều dành cho cô tình cảm đặc biệt bởi giọng nói dịu dàng, tinh thần chịu khó, sự nhiệt tình và luôn giúp đỡ mọi người. Hiện nay, dù bận bịu việc ở trường và chăm sóc con nhỏ nhưng đều đặn thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, cô đều đến trường để hoàn thành những học phần cuối cùng của chương trình cử nhân sư phạm mầm non.
Cô Ngô Trịnh Hòa Hiệp, giáo viên Trường Mầm non Quận (quận 11) và học trò trong dịp lễ kỷ niệm 20-11
Khác với cô Hiệp, cô giáo Nguyễn Thị Nhất Liên, Trường Mầm non 19-5 Thành phố (quận 1) lại được học trò gọi bằng… “bố”. Cô tâm sự, từng có một cậu học trò bố qua đời vì tai nạn giao thông. Hiểu được khoảng trống tình cảm của em, trưa nào ngủ cô cũng ôm em vào lòng, nhẹ nhàng an ủi, dỗ dành. Gần hết năm học, em xin được gọi cô bằng “bố”. Ở nhà có chuyện vui buồn gì, cậu bé cũng vào “kể cho “bố Liên” nghe. Mãi đến gần đây, cậu bé năm xưa nay đã trưởng thành, cưới vợ vẫn không quên mời “bố Liên” đến tham dự tiệc cưới. Cô chia sẻ: “Nghề giáo viên mầm non tuy vất vả nhưng đổi lại cho tôi rất nhiều niềm vui khi gắn bó. Trẻ ở các lớp 3, 4 tuổi tuy cực ở khâu chăm nuôi nhưng người giáo viên lại có niềm vui khi thường xuyên được hòa vào thế giới cổ tích trẻ thơ đầy màu sắc của các bé với những ông bụt, bà tiên, chị Hằng, chú thỏ. Riêng với trẻ 5 tuổi, nhận thức của các bé đã thực tế hơn. Lúc này, hoạt động ở lớp tập trung nhiều hơn vào những trò chơi, bước đầu làm quen chữ cái, số đếm, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng sáng tạo, luôn tìm tòi để đem lại những bài dạy hứng thú cho học sinh”.
Cô Nguyễn Thị Nhất Liên, giáo viên Trường Mầm non 19-5 Thành phố (quận 1, TPHCM) trong một giờ dạy học sinh kể chuyện
Không chỉ là nghề mà đã trở thành nghiệp
14 năm gắn bó với nghề cũng là từng ấy năm cô giáo trẻ Lê Thị Ngọc Phượng, lớp Lá 1, Trường Mầm non Sơn Ca (quận 2) mỗi ngày phải vượt quãng đường đi về gần 40km để theo đuổi công việc mình yêu thích. Nhà ở quận 8, mỗi ngày cô phải thức dậy để đến trường khi mọi người trong nhà còn đang say ngủ, và khi trở về nhà thường đã quá bữa cơm chiều. Nhưng bằng sự tận tâm, cô giáo trẻ luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, từng đạt rất nhiều danh hiệu như Giáo viên dạy giỏi cấp quận liên tục 6 năm liền (2008 - 2015), giấy khen Gương điển hình “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2014, giấy khen Gương sáng đảng viên năm 2013 - 2014 và giấy khen thành tích tiêu biểu phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2015 do Liên đoàn Lao động quận 2 trao tặng. Chia sẻ với chúng tôi, cô cho biết chính nhờ tình cảm ấm áp của phụ huynh và học sinh đã tiếp thêm cho cô động lực cống hiến với nghề.
Trong số 6 giáo viên mầm non được giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, cô Nguyễn Thị Nhuận, giáo viên Trường Mầm non Hoa Anh Đào (quận Tân Phú) có tuổi đời cao nhất. Năm nay 53 tuổi, tức chỉ còn 2 năm nữa cô sẽ về hưu. Cô Nhuận là một trong những người gắn bó nhiều năm với công tác giáo dục trẻ hòa nhập. Sau hơn 10 năm gắn bó, cô đã được Sở GD-ĐT TPHCM tặng giấy khen “Đạt thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật năm học 2010 - 2011” và là tấm gương sáng cho nhiều đồng nghiệp trẻ noi theo. Cô bày tỏ, chăm sóc trẻ bình thường vất vả một thì nuôi dạy trẻ khuyết tật vất vả mười. Nhưng chỉ cần nhìn thấy các con mỗi ngày tiến bộ, được nghe giọng con ngọng nghịu khoe với cô những việc mình đã tự làm được thì mệt mỏi đều tan biến. Giáo viên mầm non không chỉ là nghề mà đã trở thành cái nghiệp cô nguyện suốt đời theo đuổi.
Ngoài ra, danh sách giáo viên đoạt giải còn có cô Nguyễn Thị Kim Liên, giáo viên Trường Mầm Non 5 (quận Tân Bình) và cô Trần Bửu Châu, giáo viên Trường Mầm non 19-5 (quận 7). Không chỉ hoàn thành tốt công việc của một nhà giáo, các cô còn là những cán bộ hoạt động công đoàn năng nổ, tham gia tích cực các phong trào văn hóa văn nghệ do thành phố, quận, ngành tổ chức. Có thể nói cả 6 giáo viên đoạt giải thưởng năm nay đều là những tấm gương sáng về lòng yêu nghề, sự kiên trì, tận tâm với công việc. Bằng sự yêu thương, lòng bao dung, luôn muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học trò, các cô đã tạo dựng những viên gạch đầu tiên trên bước đường khôn lớn và trưởng thành của trẻ.
THU TÂM