Yếu tố con người có vai trò quan trọng. Điều này đã được nhiều người nhìn nhận. Nhưng điều quan trọng là làm sao đặt con người đúng vào vị trí phù hợp để phát huy hết khả năng cũng như mang lại những ích lợi thiết thực cho người dân.
Khi việc xây dựng nông thôn mới (NTM) còn khá mới, TPHCM chọn 5 xã ở 5 huyện xây dựng NTM. Lúc đó, ít ai nghĩ Tân Nhựt lại được huyện Bình Chánh chọn. Bởi đây là một trong những xã khó khăn nhất của huyện, có khởi điểm thấp nhất, chỉ đạt 5/19 tiêu chí NTM. Thế nhưng sau 3 năm đã đạt 17/19 tiêu chí và sắp hoàn thành 2 tiêu chí còn lại.
Nguyên Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt Nguyễn Tấn Tuyến, nay là Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, cho biết, lúc đó, chính quyền địa phương xem đây là cơ hội “vàng” để giúp Tân Nhựt thay đổi bộ mặt, giúp người dân có điều kiện phát triển, nâng cao thu nhập. Chính vì vậy mà cả hệ thống chính trị vào cuộc với tâm thế quyết liệt. Điều gì chưa rõ, chưa hiểu là chạy khắp nơi học hỏi, để được hướng dẫn, tư vấn rõ ràng, không chờ đợi. Vì vậy, lực lượng của xã dù bỡ ngỡ lúc đầu khi phải tiếp cận và giải quyết những sự việc chưa từng có trước đây nhưng với tâm thế như vậy, dần dần mọi việc cũng đi vào ổn định và hiệu quả của việc xây dựng dần cũng xuất hiện sau đó. Giờ đây, khi những xã khác phải xoay xở làm sao có vốn để bắt đầu “vượt dốc” thì Tân Nhựt có thể nói đã ung dung vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ kéo dài hiện nay, việc tìm nguồn vốn không đơn giản, nên khi tất cả 50 xã còn lại của 5 huyện đồng loạt cùng bắt tay xây dựng NTM, vốn ngân sách TP khó có thể phân bổ như trước. Vì vậy, ông Nguyễn Tấn Tuyến có lý khi cho rằng, nếu không nhanh nhạy nắm bắt, cơ hội sẽ qua đi không dễ gì có lại.
Tương tự, khi UBND TPHCM ra Quyết định 36 về việc triển khai cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để chuyển đổi sản xuất, địa phương nào có bộ phận nhân lực am hiểu, nhiệt tình sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con, doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt với bà con nông dân còn khó khăn.
Củ Chi là huyện trọng điểm nông nghiệp của TPHCM, nơi đây có diện tích đất nông nghiệp, hộ nông nghiệp nhiều nhất, TP đã quy hoạch địa phương này là trọng điểm phát triển nông nghiệp lâu dài. Thế nhưng, thời gian đầu triển khai, số phương án được duyệt và hộ vay vốn nhiều nhất lại tập trung ở huyện Cần Giờ với dân số ít hơn nhiều.
UBND TPHCM đã điều chuyển ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM, về làm Phó Chủ tịch UBND huyện, việc triển khai Quyết định 36 được chuyển về Phòng Kinh tế làm đầu mối từ tháng 10-2012. Chỉ 6 tháng (đến 3-2013) có khoảng 600 phương án được vay so với 244 phương án triển khai trước đó.
Theo ông Nguyễn Văn Cảm, Phó phòng Kinh tế huyện Củ Chi, khi nhận làm đầu mối, huyện mở rộng ra cho tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn cùng tham gia cho vay thay vì chỉ Ngân hàng NN-PTNT huyện như trước. Quy trình cũng đơn giản hơn để người dân dễ tiếp cận. Nếu dưới 100 triệu đồng không cần làm phương án, xã chỉ lập danh sách theo từng loại cây, con. Từ 100 triệu đồng trở lên huyện hỗ trợ làm phương án. Điều này đã tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo đúng chủ trương khuyến khích của TP.
ĐĂNG LÃM