Hậu “cơn bão” melamine

Bộ Y tế không “minh oan” hay “đính chính” cho Hanoimilk

Vẫn bức xúc
Bộ Y tế không “minh oan” hay “đính chính” cho Hanoimilk

(SGGP-12G).- Đây là khẳng định của đại diện Bộ Y tế về những thông tin xung quanh kết quả công bố sữa nhiễm melamine của Bộ Y tế, cũng như buổi làm việc của Thanh tra Bộ Y tế với một số hộ nông dân nuôi bò sữa ở thôn Trung Nguyên, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Vẫn bức xúc

Bộ Y tế không “minh oan” hay “đính chính” cho Hanoimilk ảnh 1

Nuôi bò sữa ở Ba Vì - Hà Nội.

Trước đơn kiện của một số hộ nông dân nuôi bò sữa ở thôn Trung Nguyên, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, hôm qua, 6-1, đoàn công tác của Bộ Y tế do Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung đã có buổi làm việc với bà con nông dân và lãnh đạo địa phương.

Tại buổi làm việc, ông Trần Quang Trung cho biết, Bộ Y tế đã nhận được 6 đơn thư do 7 người dân nuôi bò sữa của 3 hộ gia đình ở xã Trung Nguyên ký tên có xác nhận của chính quyền địa phương đòi bồi thường thiệt hại về kinh tế sau “cơn bão” melamine do không bán được sữa nguyên liệu. Ông Trung cũng giải thích cho người dân, không có sự nhầm lẫn trong việc công bố kết quả xét nghiệm sữa nhiễm melamine của Hanoimilk.

Tuy nhiên, những giải thích của đại điện Bộ Y tế vẫn chưa giải tỏa sự bức xúc của bà con nông dân nuôi bò sữa bởi “cơn bão” melamine đã qua nhưng thiệt hại mà họ gánh chịu còn rất lớn.

Anh Trần Văn Dũng, một trong những người có đơn kiện cho biết, hiện nay  Hanoimilk chỉ thu mua 1,2 tấn/ngày, trong khi trước đó mỗi ngày gia đình anh Dũng bán cho công ty này khoảng 4,7 tấn sữa. Sữa nhiều nhưng bán được ít, giá lại quá rẻ chỉ 6.000đ/lít so với trước đây 8.000đ/lít, tiền mua ngô, cỏ cho bò hao tốn nên nhiều gia đình thôn Trung Nguyên đã bán bò sữa bằng giá bò thịt để lấy tiền trang trải cho số bò còn lại trong chuồng. Một con bò sữa mua với giá 30 triệu đồng, khi bán chỉ được 12,5 triệu đồng.

An toàn cho sức khỏe người dân!?

Cũng liên quan tới vấn đề công bố sữa nhiễm melamine, trong buổi họp với các cơ quan báo chí tại Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho rằng, tại thời điểm trước ngày 11-12-2008, Bộ Y tế đã công bố sản phẩm nhiễm melamine nói chung và của Hanoimilk nói riêng theo đúng quy trình, đúng các thông tin do cơ quan kiểm nghiệm và doanh nghiệp cung cấp.

Bộ Y tế không “minh oan” hay “đính chính” cho Hanoimilk ảnh 2

Kinh doanh sữa tươi ở Ba Vì - Hà Nội.

Từ ngày 16-12-2008, để góp phần giúp doanh nghiệp lập lại uy tín của thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm, Thanh tra Bộ Y tế đã lấy và xét nghiệm 20 mẫu sữa của Hanoimilk. Đây là những mẫu lấy từ các lô sản phẩm khác với các mẫu đã công bố nhiễm melamine trước đây.  Và kết quả là 20 mẫu này không phát hiện nhiễm melamine và được Bộ Y tế công bố nhằm giúp doanh nghiệp đưa các mặt hàng vào thị trường và để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm.

Ông Nguyễn Công Khẩn khẳng định, việc làm này không phải là Bộ Y tế “đính chính” hay “minh oan” lại cho kết quả xét nghiệm melamine đã công bố trước đây đối với Hanoimilk. Ngoài ra, việc lãnh đạo Bộ Y tế tới thăm Công ty Hanoimilk khi đưa vào sử dụng thiết bị xét nghiệm melamine cũng là một hành động thể hiện sự ủng hộ doanh nghiệp, góp phần khắc phục khó khăn mà công ty gặp phải trong thời gian vừa qua.

Về những thiệt hại mà người nông dân nuôi bò phải gánh chịu trong “cơn bão melamine” cũng như vụ kiện của nông dân Vĩnh Phúc với Bộ Y tế, ông Khẩn cho rằng, sự cố sữa nhiễm melamine đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm trên toàn thế giới và thị trường Việt Nam, trong đó có sản phẩm của Hanoimilk.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục