Giảm tải bệnh viện - vẫn là bài toán chưa có lời giải

Bài 2: Xây dựng “thương hiệu” tuyến dưới - không dễ!

Nỗ lực giảm tải của bệnh viện: có hạn!
Bài 2: Xây dựng “thương hiệu” tuyến dưới - không dễ!

Sở Y tế TPHCM nhìn nhận tình trạng quá tải bắt nguồn từ việc người ngoài tỉnh với khoảng 40% bệnh nhân đổ dồn về các tuyến BV tuyến trên ở TPHCM. Và bài toán chủ đạo được đưa ra là phát triển mạng lưới y tế các tỉnh, xây dựng nhiều bệnh viện tuyến tỉnh có “thương hiệu” để thu hút bớt lượng bệnh nhân. Mới đây, làm việc với Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải tuyến trên. Nhưng liệu chuyện này có dễ làm?

Cảnh 2 bệnh nhân nằm chung giường tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Cảnh 2 bệnh nhân nằm chung giường tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Nỗ lực giảm tải của bệnh viện: có hạn!

Nhận thấy hầu hết bệnh nhân đến BV đều dạng “vượt tuyến”, BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM đã xây dựng chương trình hỗ trợ tuyến trong mạng lưới khám, điều trị chấn thương chỉnh hình. Hàng năm, BV lên kế hoạch hỗ trợ cho các BV tuyến dưới, các BV vệ tinh và đến nay đã có 32 cơ sở y tế tại TPHCM và các tỉnh được hỗ trợ các kỹ thuật trong điều trị chấn thương chỉnh hình.

Ngoài ra, mỗi khi cơ sở nào cần hội chẩn cũng được BV cử bác sĩ có chuyên môn giỏi xuống giúp. Đồng thời, BV đã mở các lớp đào tạo nghiệp vụ cho các BV vệ tinh về kỹ thuật viên, bác sĩ phẫu thuật… Cùng với đó, BV Chấn thương Chỉnh hình tiếp cận các kỹ thuật mới, giải quyết nhanh cho bệnh nhân trong ngày… để hạn chế số bệnh nhân nằm lại BV. Tuy nhiên, nói như BS Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV, những nỗ lực giảm tải của BV có hạn, bởi nhân lực, thiết bị còn “khiêm tốn”, trong khi lượng bệnh nhân tăng lên mỗi năm…

Với nỗ lực “tự thân vận động”, BV Ung bướu TPHCM đã đưa ra một số giải pháp chống quá tải. Theo BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV, từ tháng 4-2008, BV đã vận động cán bộ y bác sĩ đi làm từ lúc 6 giờ sáng, trang bị hệ thống lấy số tự động và các máy móc mới nhằm giải quyết nhanh cho bệnh nhân, triển khai mổ cả vào ngày thứ bảy, chủ nhật, đưa các kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, tổ chức các mô hình dịch vụ khám, phẫu thuật ngoài giờ.

“Nhờ nỗ lực của BV mà trong năm 2009 giải quyết khám thêm gần 38.000 lượt bệnh nhân, xét nghiệm thêm 36.440 lượt…”, BS Dũng cho biết. Cùng với đó, BV Ung bướu phát triển công tác hỗ trợ tuyến trong mạng lưới phòng chống ung thư cho các BV Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang…, hỗ trợ đào tạo giải phẫu bệnh, hóa-xạ trị. Mặc dù vậy, BS Dũng thừa nhận quá tải vẫn là nỗi phiền hà chưa dứt: “Có trường hợp bệnh nhân ở Khánh Hòa vô đề nghị xạ trị. Phía BV nói là BV đa khoa Khánh Hòa cũng làm được, vô đây chờ đợi lâu lắm. Nhưng bệnh nhân không nghe, mà còn nói chờ bao lâu cũng được, miễn là được điều trị tại BV của Sài Gòn”. Câu chuyện của BS Dũng để minh chứng rằng, tuy các BV tuyến cơ sở đã có chuyên môn, có kỹ thuật xử lý bệnh nhưng ngay chính bệnh nhân chưa cảm thấy tin tưởng và tâm lý của họ luôn nghĩ rằng “tuyến trên là tuyến tốt”.

Những nỗ lực tự thân của các BV tuyến trên là không phủ nhận và điều đó là cần thiết để giảm tải ngay chính “đại bản doanh” của BV. Tuy nhiên, mọi cố gắng của BV còn hữu hạn và hiệu quả giảm tải chưa đáng kể. Ngay như BV Chợ Rẫy, đã hỗ trợ cho mạng lưới y tế tư nhân như BV Phổ Quang, Minh An để “gánh” bớt bệnh nhân, hiện đại hóa trang thiết bị, kỹ thuật, phối hợp với các đơn vị bạn để tạo ra các vệ tinh theo các chuyên khoa, hỗ trợ huấn luyện chuyên môn… nhưng xem ra quá tải vẫn hoàn quá tải!

Luân phiên bác sĩ: cây đũa thần?

Ngay khi lên làm Bộ trưởng Bộ Y tế, TS Nguyễn Quốc Triệu đã phát biểu rằng giảm tải BV tuyến trên là một trong những vấn đề mấu chốt cần được ưu tiên giải quyết. Và đề án cử cán bộ y tế chuyên môn đi luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới (Đề án 1816) đã được Bộ trưởng khởi xướng từ đầu năm 2009.

Mới đây, Bộ Y tế đã tổng kết 1 năm thực hiện Đề án 1816 và đánh giá đạt được kết quả bước đầu góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cụ thể là đã có 1.846 lượt cán bộ xuống hỗ trợ tuyến dưới, chuyển giao 624 kỹ thuật, tổ chức 418 lớp tập huấn với 21.526 lượt cán bộ y tế tuyến dưới tham gia, giảm tỷ lệ chuyển tuyến lên các BV tuyến trên trung bình 30%... Kết quả đạt được như vậy đã cho thấy một tín hiệu đáng mừng trong công tác giảm tải cho BV tuyến trên và Đề án 1816 được xem như “cây đũa thần”!

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện các BV tuyến trên thì đa số BV tuyến dưới thiếu thốn trang thiết bị, đội ngũ cán bộ yếu kém nên gặp khó khăn trong chuyển giao kỹ thuật. Thậm chí, có trường hợp cán bộ tuyến dưới có tư tưởng ỷ lại cán bộ đến luân phiên và chưa chủ động học hỏi.

Một lãnh đạo BV thẳng thắn cho biết bác sĩ luân phiên về cơ sở chủ yếu là bắt tay chỉ việc, hết chỉ rồi thì cán bộ tuyến dưới… bó tay. Thậm chí, nhiều BV báo cáo là đã phẫu thuật được nhiều ca cho bệnh nhân ngay tuyến dưới nhưng đó là bác sĩ tuyến trên phẫu thuật, khi bác sĩ đi thì tuyến dưới cũng chẳng làm được. Ngay trong buổi tổng kết Đề án 1816 tại TPHCM vừa qua, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ, phân vân với thời gian chuyển giao kỹ thuật ngắn, trang thiết bị của cơ sở tuyến dưới lại nghèo nàn nên chưa hẳn kỹ thuật nào được chuyển giao tuyến dưới cũng làm được.

Trong khi đó, chính các bác sĩ tuyến trên cũng rất ngại đi luân phiên. Một số bác sĩ có tay nghề giỏi luôn tìm cách né tránh đi luân phiên vì ngoài công tác tại BV, họ còn có phòng mạch riêng. Còn chính BV tuyến trên cũng khan hiếm bác sĩ giỏi nên nếu cử đi thì BV cũng lúng túng. PGS-TS Lâm Hoài Phương, Giám đốc BV Răng-Hàm-Mặt Trung ương TPHCM, nhìn nhận số lượng cán bộ có trình độ cao của BV phải đi hỗ trợ trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến hoạt động của BV.

Với Đề án 1816, các chuyên gia y tế hy vọng sẽ tạo được “thương hiệu” cho các BV tuyến dưới. Nhưng thực tế cho thấy việc tạo dựng “thương hiệu” ấy không chỉ trông cậy vào mấy tháng luân phiên của bác sĩ mà phải từ những chính sách đồng bộ. Và mới đây, trong buổi làm việc với Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để giảm tình trạng quá tải bệnh nhân ngay trong năm 2010. Trong 5 năm tới, ngành y tế phải tăng dần, tăng nhanh chất lượng khám chữa bệnh, tăng số giường bệnh cho bệnh nhân ngang với thế giới là 25 giường bệnh/vạn dân. Và để làm được điều đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đầu tư cho y tế cơ sở, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực…

Tường Lâm

  • Thông tin liên quan:

- Bài 1. Ngộp thở ở bệnh viện công

Tin cùng chuyên mục