Người nhập cảnh từ vùng dịch cúm A/H1N1 đang được giám sát chặt

Việt Nam chưa có trường hợp cúm A/H1N1 lây từ người qua người
Người nhập cảnh từ vùng dịch cúm A/H1N1 đang được giám sát chặt

° Việt Nam chưa có trường hợp cúm A/H1N1 lây từ người qua người

(SGGP-12G).- Tính đến nay, tại Việt Nam đã phát hiện 6 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Các ca này đều từ nước ngoài về - trong đó có 5 ca từ Hoa Kỳ và 1 ca nghi nhiễm từ Australia. Để ngăn ngừa cúm A/H1N1 lây lan ra cộng đồng, Sở Y tế TPHCM đã thực hiện nhiều biện pháp như kiểm tra thân nhiệt với hành khách từ vùng dịch về và có thể áp dụng biện pháp cách ly những người có nguy cơ… Để mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này, sáng nay, 6-6, PV SGGP 12 Giờ đã có buổi trao đổi với bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM. 

Cách ly khi bị sốt

PV: Thưa, bác sĩ có thể cho biết, đối tượng nào sẽ bị cách ly và biện pháp cách ly như thế nào?

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm: Hiện cúm A/H1N1 đã có mặt trên 66 quốc gia. Do đó, với những khách từ vùng dịch về Việt Nam (TPHCM), khi tới sân bay Tân Sơn Nhất, khách sẽ được kiểm tra thân nhiệt. Việc đo thân nhiệt này được thực hiện thường xuyên, bằng máy đo tự động. Như vậy sẽ không gây phiền hà, ảnh hưởng đến thời gian làm thủ tục của khách, không ảnh hưởng đến sức khỏe của khách…

Nếu khách không có biểu hiện gì thì chỉ cần khai thông tin đầy đủ nơi cư trú. Trường hợp  nào “có vấn đề”, thì khách sẽ được lực lượng y tế tới tư vấn, giải thích và bộ phận y tế có thể sẽ mời khách về một cơ sở y tế để kiểm tra và cách ly tạm thời chờ xét nghiệm loại trừ trong vòng 24 tiếng đồng hồ (khu vực cách ly kiểm tra không nhất thiết phải cách ly trong bệnh viện mà có thể ngay tại nơi cư trú của khách).

Trong trường hợp nếu kết quả âm tính thì khách sẽ tiếp tục được ở tại cộng đồng và giám sát tại cộng đồng chứ không cần cách ly tập trung hay cách ly điều trị. Trong thời gian này, khách nên hạn chế đi ra ngoài, tiếp xúc người khác hoặc đến nơi đông người, nếu có tiếp xúc hay đi đâu cần phải đeo khẩu trang.

Trong trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì khách mới phải cách ly điều trị. Khi nào xét nghiệm lại cho kết quả âm tính và hoàn toàn khỏi bệnh (thời gian này là khoảng 10-12 ngày) thì sẽ được rời khỏi cơ sở y tế.

Qua 6 ca dương tính với cúm A/H1N1 trên thì có 5 ca từ Hoa Kỳ và 1 ca nghi nhiễm từ Australia về, cho thấy nguy cơ dịch đến Việt Nam từ nhiều nơi. Đến nay, việc phát hiện ra số ca nhiễm từ Hoa Kỳ về Việt Nam nhiều hơn các quốc gia khác phần là tại Hoa Kỳ đang là vùng dịch với hơn 10.000 người mắc bệnh. Do đó, số người mang mầm bệnh từ Hoa Kỳ trở về cao hơn các nước khác là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó những yếu tố như sau chuyến bay dài (21 giờ), khi về Việt Nam họ đã mệt mỏi lại hoạt động nhiều nên điều kiện cho bệnh phát triển. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn và Sở Y tế TPHCM thăm và kiểm tra khu điều trị cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1 tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn và Sở Y tế TPHCM thăm và kiểm tra khu điều trị cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1 tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM

Sẽ được điều trị miễn phí

Những đối tượng nào sẽ  được khám xét nghiệm, điều trị miễn phí?

Nhà nước sẽ hỗ trợ miễn phí việc khám, xét nghiệm, điều trị cúm A/H1N1, cho những đối tượng như những bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1, những người buộc phải cách ly, những đối tượng có nguy cơ cao như từ vùng nhiễm bệnh về, có tiếp xúc với người mang mầm bệnh như người thân hoặc những người đi cùng chuyến bay... bên cạnh việc hỗ trợ về kinh phí điều trị thì những người bị cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hay Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 thì sẽ được chế độ ăn uống miễn phí.

Còn những đối tượng tự nguyện đến cơ sở y tế nhưng dấu hiệu không rõ ràng, không có yêu cầu từ những người chuyên môn... nếu xét nghiệm dương tính thì cũng được miễn phí khám và điều trị. Còn những đối tượng tự nguyện mà không có yêu cầu từ phía cơ quan chức năng, kết quả xét nghiệm âm tính thì phải tự trả chi phí xét nghiệm.

Khi có dấu hiệu bệnh, người dân có thể đến khám và tư vấn ở đâu? Những nơi nào có thể cách ly và điều trị bệnh cúm? Trường hợp nào thì nên vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM?

Hiện nay tại tất cả các trung tâm y tế đều có chức năng kiểm tra bệnh, tất cả đều có khu cách ly từ 5-10 giường. Khi người dân tới các cơ sở này sẽ được khám, tư vấn kiểm tra loại trừ, nếu trường hợp đặc biệt thì mới cần chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Điều này sẽ giúp cho khách đỡ mệt mỏi, mất công, tốn kém…

Hiện nay từ thành phố đến các quận, huyện đều có đường dây nóng. Riêng Sở Y tế cũng thiết lập riêng một đường dây nóng số điện thoại là 08.39309981 tư vấn 24/24 cho những trường hợp khẩn cấp. Người dân có thể tìm thêm thông tin về khám và điều trị cúm A/H1N1 trên website medinet (www.medinet.hochiminhcity.gov.vn) của Sở Y tế.

Không nên uống thuốc giảm sốt để “đánh lừa”

Kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tiến Đạt

Kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tiến Đạt

Qua những trường hợp trên bác sĩ có lời khuyên gì tới mọi người?

Qua những ca dương tính cho thấy, họ đều phát bệnh sau khi về đến nhà. Vì vậy, khách về từ vùng dịch nên chủ động khai báo số điện thoại và địa chỉ chính xác với hải quan sân bay và phải đăng ký lưu trú và thông tin tình trạng sức khỏe hằng ngày tại trung tâm y tế cơ sở. Điều đó, vừa giúp kiểm soát tình hình cúm được chặt chẽ và rất hữu ích cho chính bản thân hành khách.

Đặc biệt là, khách về Việt Nam không nên uống thuốc giảm sốt để “đánh lừa” máy đo thân nhiệt.  Do đó, người về từ vùng dịch nên tự giác khai báo đúng địa chỉ, số điện thoại... Bởi việc điều trị bệnh cúm A/H1N1 nếu sớm trong vòng 24 tiếng thì kết quả rất tốt. Nếu trễ thì có thể gây biến chứng thậm chí là tử vong cho người bệnh.

Ngoài ra, người dân không nên chủ quan mà cần phải cẩn thận để phòng ngừa vì bệnh cúm này rất dễ lây nhiễm nhưng cũng không vì thế mà quá hoang mang lo sợ. Điều đáng mừng là đến nay tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H1N1 lây từ người sang người. 

TIẾN ĐẠT

Miền Trung - Tây Nguyên: Thiếu người và trang thiết bị giám sát bệnh nhân cúm A/H1N1 tại các cửa khẩu

Đó là thông tin Bác sỹ Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Kiểm dịch (Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế) cung cấp. Cũng theo BS Hiển, do quá ít nên khi lượng khách nhập cảnh nhiều lực lượng cán bộ chưa đáp ứng được công tác giám sát một cách chặt chẽ nhất. Trang thiết bị phục vụ cho việc giám sát, phát hiện bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 tại các cửa khẩu này vẫn còn thiếu. Điều này, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 ở khu vực này.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục