Trà sữa trân châu có thể gây bệnh

Nguyên liệu “giá bèo”
Trà sữa trân châu có thể gây bệnh

Đây là cảnh báo của một số chuyên gia sau khi các cơ quan chức năng của Trung Quốc phát hiện loại trà sữa trân châu có chứa chất polymer tổng hợp (hạt nhựa). Trong khi đó, mặt hàng này lại đang được tiêu thụ và bày bán khá nhiều ở Việt Nam trong tình trạng trôi nổi, không rõ nguồn gốc…

Cán bộ thanh tra đang niêm phong hạt trân châu để đem kiểm nghiệm sáng 11-8. Ảnh: Tg.LÂM

Cán bộ thanh tra đang niêm phong hạt trân châu để đem kiểm nghiệm sáng 11-8. Ảnh: Tg.LÂM

Nguyên liệu “giá bèo”

Ngày 11-8, PV SGGP đã khảo sát tại chợ Kim Biên (Q5, TPHCM) cho thấy rất nhiều cửa hàng buôn bán hạt trân châu. Tại cửa hàng H.C, cô bán hàng cho biết mặt hàng hạt trân châu bán rất chạy trong mấy tháng hè qua, mỗi tuần có khi bán tới 50kg. Theo cô bán hàng này, hạt trân châu đều chủ yếu xuất xứ từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) do một số công ty nhập khẩu về và phân phối.

Ở Hà Nội, mặt hàng hạt trân châu đang được bày bán khá nhiều tại chợ đầu mối Đồng Xuân và phố bánh kẹo Hàng Buồm, với nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau như: trắng, nâu, tím, đỏ, hồng. Một số chủ hàng cho biết, hạt trân châu của Việt Nam sản xuất, chỉ có nhãn hiệu Long Phú (TPHCM), với giá 9.000 - 11.000 đồng/kg, có nhãn mác và hạn sử dụng rõ ràng.

Tuy nhiên hạt trân châu sản xuất trong nước không được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh bằng sản phẩm cùng loại do Trung Quốc sản xuất. Bởi lẽ, theo một số chủ hàng, hạt trân châu của Trung Quốc thường ngon và dẻo hơn, bóng đẹp và bắt mắt, trong khi đó giá thành cũng chỉ khoảng 20.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất, mặt hàng hạt trân châu của Trung Quốc phần lớn được đóng trong các bịch ni lông lớn, không có nhãn mác, hạn dùng và thành phần cụ thể.

Cùng với đó, các loại sữa để dùng pha hạt chân trâu cũng hầu hết là sữa bột cân đóng gói, không có nhãn mác. Tuy vậy nhiều cửa hàng trên phố Hàng Buồm đều quảng cáo, đây là sản phẩm nhập khẩu từ Úc hoặc Thái Lan nhưng giá bán chỉ 80.000 -100.000/kg.

Gây ung thư hoặc bệnh mãn tính

Trước những thông tin trên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc mặt hàng này khi được bày bán phải đảm bảo rõ ràng về nguồn gốc và thành phần. Do đó, trước việc thông tin hạt trân châu của Trung Quốc có chứa chất polymer nhân tạo, một chất hóa học nguy hại cho cơ thể thì đoàn kiểm tra của sở đang tiến hành đợt kiểm tra, lấy mẫu mặt hàng này về để xét nghiệm làm rõ thành phần.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS-TS Trần Văn Thuyết, nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thực phẩm, chuyên gia về đồ uống cho biết, hạt chân trâu nếu được chế biến đúng phải được làm từ bột sắn và rau câu. Nếu sử dụng loại polymer nhân tạo thì vô cùng độc hại bởi khi tổng hợp nó chứa các dung môi, hóa chất gây hại cho cơ thể.

Trong khi đó, GS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ hóa học khẳng định: Polymer nhân tạo không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Nếu dùng polymer nhân tạo nó sẽ tác động vào cấu trúc ADN gây biến đổi gen, gây nhiều bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư.

Hơn nữa, khi chất polymer nhân tạo được đưa vào cơ thể, có thể polymer không gây độc cấp tính nhưng về lâu dài, nó được tích tụ không thể đào thải được ra khỏi cơ thể và gây nên các bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh đường tiêu hóa.

Trung Kiên - Lâm Tuệ

Nhiều quán trà sữa trân châu chưa đảm bảo vệ sinh

Trước thông tin hạt trân châu dùng làm trà sữa có thành phần hạt nhựa gây độc hại, ngày 11-8, thanh tra Sở Y tế TPHCM đã đột xuất thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với các quán trà sữa trân châu.

Tại quán Tapitea (235B Nguyễn Văn Cừ, Q1), đoàn thanh tra ghi nhận điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, giấy khám sức khỏe của nhân viên trực tiếp pha chế trà đã hết hạn. Đoàn thanh tra đã niêm phong 5 bịch hạt trân châu, lấy mẫu 3 loại trà sữa trân châu cùng các loại thạch, sirô để kiểm nghiệm VSATTP.

Tại cửa hàng trà sữa trân châu số 215 Nguyễn Văn Cừ, P14, Q5, đoàn thanh tra cũng ghi nhận chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, chưa xuất trình được nguồn gốc, nhãn phụ, hóa đơn chứng từ hạt trân châu. Bịch hạt trân châu nguyên liệu có ghi cả tiếng Hoa lẫn tiếng Anh nhưng không hề có nhãn phụ tiếng Việt, không biết thành phần nguyên liệu…

Cùng ngày, thanh tra Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra các quán trà sữa trân châu Alo Trà (235B/A5/6 Nguyễn Văn Cừ, Q1), và một số địa điểm trà sữa khác.

Tin cùng chuyên mục