Khi mua thuốc lá dễ hơn mua rau

Thuốc rẻ - hút nhiều
Khi mua thuốc lá dễ hơn mua rau

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá hàng năm thêm 20% sẽ giúp tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu thuế hàng năm và hơn cả là ngăn chặn khoảng 100.000 ca tử vong sớm… Đây là đề xuất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại buổi công bố kết quả nghiên cứu tổng quan về thuế thuốc lá ở Việt Nam được tổ chức ngày 9-3.

Thuốc lá có hại cho sức khỏe người hút và những người xung quanh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thuốc lá có hại cho sức khỏe người hút và những người xung quanh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thuốc rẻ - hút nhiều

Mua thuốc dễ hơn mua rau. Đây là thực trạng thị trường thuốc lá Việt Nam trước hàng ngàn sản phẩm thuốc lá đang được bán tràn lan, với giá vô cùng rẻ. GS Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, các nghiên cứu mới nhất cho thấy, giá thuốc lá Việt Nam ở mức thấp nhất so với thế giới. Hiện tại, ở Việt Nam tính trung bình giá một bao thuốc 20 điếu chỉ khoảng 3.500 đồng, tương đương 0,22 USD, gần như thấp nhất thế giới.

Trong khi đó, theo đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, giá của các sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây không hề tăng, thậm chí còn giảm. Chẳng hạn như một bao thuốc Vinataba (nhãn hiệu phổ biến nhất ở Việt Nam) vào năm 1996 có giá thực khoảng 10.000 đồng (0,63USD)/gói thì tới năm 2006 giá của bao thuốc này ở mức khoảng 8.500 đồng (0,53USD)/gói.

Điều này trái ngược hẳn với sự tăng trưởng thu nhập thực tế ở Việt Nam. Trong khi, GDP thực tế tính trên đầu người đã tăng tới hơn 80% từ năm 1995 tới nay. Khoảng cách ngày càng tăng giữa thu nhập và giá thuốc lá đã làm cho thuốc lá ở Việt Nam ngày càng dễ mua.

Chính thực trạng trên là một trong những nguyên nhân khiến cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hút thuốc hàng đầu thế giới, với 51,6% nam giới và 2% nữ giới hút thuốc, tương đương với khoảng 20 triệu người Việt Nam đang “phì phèo” hàng ngày. Cùng với đó là hàng triệu trẻ em và phụ nữ đang phải chịu khói thuốc thụ động.

Gánh nặng lớn

Với việc trở thành quốc gia có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là bệnh tật gia tăng mà còn những tổn hại về kinh tế - xã hội. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh liên quan thuốc lá và con số này sẽ tăng lên hơn 50.000 ca tử vong/năm vào năm 2023.

Cùng với những tổn hại về sức khỏe là những chi phí khổng lồ để chữa trị các bệnh do thuốc lá gây ra. Nghiên cứu của ĐH Y tế công cộng cho thấy, tổng chi phí xã hội do 3 loại bệnh phổ biến có nguyên nhân từ hút thuốc lá gồm ung thư phổi, nhồi máu cơ tim và phổi tắc nghẽn mãn tính là 1.160 tỷ đồng/năm.

Dưới góc độ kinh tế, đại diện của WB nêu rõ, hút thuốc có thể làm tăng mức độ nghèo cả cách trực tiếp và gián tiếp do làm giảm thu nhập. Nếu một phần tiền do các hộ nghèo Việt Nam tiêu vào hút thuốc được dùng để mua thực phẩm thì sẽ có 11,2% trong số các hộ nghèo hút thuốc có thể vươn lên trên ngưỡng nghèo.

Giải pháp khả thi

Theo TS Jean - Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, để kiểm soát thuốc lá hiệu quả, việc tăng thuế thuốc lá là biện pháp khả thi, hiệu quả nhất làm giảm việc sử dụng thuốc lá, đồng thời cũng làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thực tế biện pháp này đang được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Qua những nghiên cứu về thuế thuốc lá ở Việt Nam, TS Jean - Marc Olivé và các chuyên gia đã đưa ra đề xuất: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hàng năm thêm 20% sao cho giá các sản phẩm thuốc lá tăng ít nhất là bằng hoặc tốt hơn là vượt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ giúp tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu thuế hàng năm và hơn cả là ngăn khoảng 100.000 ca tử vong sớm.

Hoặc áp dụng một loại thuế theo số lượng, với mức thuế là 1.750 đồng cho một bao thuốc 20 điếu và có điều chỉnh tăng theo lạm phát hàng năm, sẽ làm tăng thêm khoảng 4.300 tỷ đồng tiền thu thuế mỗi năm và làm giảm hơn 339.000 ca tử vong sớm do thuốc lá.

Khánh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục