Vụ mổ mắt gây mù tại BV Mắt TPHCM: Có phải do hóa chất?

Vụ mổ mắt gây mù tại BV Mắt TPHCM: Có phải do hóa chất?

Ngày 4-6, Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TPHCM) đã làm việc với lãnh đạo BV Mắt TPHCM xung quanh việc 22 bệnh nhân sau khi mổ mắt bằng phương pháp Phaco tại đây… mù hẳn. Tuy nhiên, nguyên nhân đến nay vẫn chưa xác định rõ có phải là do hóa chất chỉ thị màu nhiễm vi khuẩn mủ xanh - Pseudomonas Aeruginosa.

Tưởng sáng... hóa mù

Nhập bệnh viện trở lại hơn 10 ngày nay để “bắt đền” con mắt trái sau mổ Phaco trở nên mù hẳn, ông Vương Đình Việt (57 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) chưa hết bàng hoàng vì bỗng nhiên có nguy cơ múc bỏ một con mắt.

Là một cán bộ công tác ở địa phương, ông Việt vẫn thường đọc tài liệu, sách báo nhưng gần đây mắt trái mờ dần. Được biết BV Mắt TPHCM có phương pháp mổ Phaco vừa nhanh gọn, hiệu quả, ông cùng vợ khăn gói vào làm thủ tục phẫu thuật. Sau khi mổ xong, ông Việt nghỉ ngơi một ngày rồi về quê. Thế nhưng, vừa đi tàu hỏa ra tới Quảng Ngãi, mở băng mắt ra nhìn rõ được 10 tiếng đồng hồ thì tự nhiên tối hẳn.

“Trước khi mổ mắt có mờ nhưng vẫn nhìn được, nhưng nay thì tối thui, chẳng nhìn được gì”, ông Việt nói. BS Bùi Thị Thu Hương, người trực tiếp mổ cho ông Việt nói, ca mổ của ông Việt rất tốt, không có sai sót kỹ thuật, còn vì sao bỗng dưng mắt mù hẳn thì vị bác sĩ này cũng chưa thể giải thích được.

Cùng chung hoàn cảnh với ông Việt là ông Huỳnh Thúc Sung (58 tuổi, ngụ Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Tiếp xúc với chúng tôi, 2 con mắt của ông Sung cứ kèm nhèm chảy mủ ra, không nhấp nháy được. Khi chúng tôi đưa mấy ngón tay lên và hỏi xem ông có nhìn thấy không thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Ông phải đeo kính liên tục để mắt đỡ đau. “Tối không ngủ được vì đau nhức, xung quanh cả một bầu trời tối om”, ông Sung khổ sở nói.

Trước khi mổ Phaco tại BV Mắt TPHCM, ông Sung vẫn còn nhìn được, vẫn là lao động chính trong nhà. “Cứ tưởng sau khi mổ mắt sẽ sáng hơn, giúp làm được nhiều việc nhưng nay thì thôi rồi. Chẳng còn nhìn được gì”, ông Sung than thở…

Trước ngày 15-5, BV Mắt TPHCM đã tiếp nhận phẫu thuật Phaco cho 22 ca từ các tỉnh thành. Sau mổ, cả 22 ca đều nhìn thấy khá hơn và được xuất viện. Tuy nhiên, từ ngày 17-5 đến 28-5 vừa qua, lần lượt cả 22 ca đều nhập viện trở lại trong tình trạng mắt được mổ trở nên mù hẳn. Đến hôm qua, 7/22 ca đã được xuất viện trong tình trạng diễn tiến tốt, nhìn lại được. Hiện còn 15 ca vẫn được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện và chưa có biểu hiện cho thấy nhìn được trở lại.

Sau khi mổ Phaco mắt tại BV Mắt TPHCM, ông Huỳnh Thúc Sung mù hẳn. Ảnh: TƯỜNG LÂM

Sau khi mổ Phaco mắt tại BV Mắt TPHCM, ông Huỳnh Thúc Sung mù hẳn. Ảnh: TƯỜNG LÂM

Chưa có chỉ định vẫn dùng?

Tiếp xúc với PV Báo SGGP, bà Lâm Kim Phụng, Phó Giám đốc BV Mắt TPHCM cho rằng mọi việc đang chờ kết luận của cơ quan y tế cao nhất. Bà Phụng nói cũng đã họp Hội đồng khoa học bệnh viện, xem xét lại quy trình phẫu thuật. Đồng thời tiến hành lấy mẫu hóa chất chỉ thị màu (dùng trong phẫu thuật Phaco), các dụng cụ phẫu thuật, các vật dụng trong phòng mổ để xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm, theo bà Phụng được ghi nhận từ Viện Pasteur TPHCM và BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho thấy hóa chất chỉ thị màu nhiễm vi trùng mủ xanh. “Tuy nhiên, đó chưa phải là kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây mù mắt sau mổ”, bà Phụng nói.

Được biết loại hóa chất chỉ thị màu được dùng có tên Trypan Blue lô SV 9025 do hãng Khosla (Ấn Độ) sản xuất. Qua tìm hiểu, thị trường hiện ngoài hóa chất trên còn có các loại của Pháp, Mỹ và vì sao BV Mắt TPHCM không chọn? Bà Phụng cho biết loại hóa chất chỉ thị màu của Ấn Độ đã trúng thầu cung ứng vào bệnh viện nên cứ thế mà dùng. Còn công ty nào nhập khẩu và cung ứng cho bệnh viện thì bà Phụng nói chưa thể cung cấp được vì chưa có… kết luận!

Điều đáng nói, khi đặt vấn đề tại sao trong phác đồ phẫu thuật Phaco có chỉ định sử dụng hóa chất chỉ thị màu, bà Phụng đã không trả lời được. Bà phân bua rằng BV Mắt TPHCM vừa là đơn vị điều trị, vừa đào tạo nên trong các lần trao đổi, giảng dạy và học hỏi từ y tế nước ngoài đều hướng dẫn sử dụng hóa chất chỉ thị màu cho các trường hợp mổ Phaco khó như mắt quá mờ, phức tạp.

“Trong giáo trình giảng dạy gửi Bộ Y tế duyệt cũng đề cập đến hóa chất chỉ thị màu trong mổ Phaco”, bà Phụng nói. Thế nhưng, Bộ Y tế đã có văn bản nào cho phép sử dụng hóa chất chỉ thị màu trong phẫu thuật Phaco thì bà Phụng nói chưa biết và xem lại! Dư luận đang chờ Thanh tra Sở Y tế và Bộ Y tế trả lời.

Như vậy, bước đầu vi khuẩn mủ xanh bị nghi vấn là tác nhân gây mù cho bệnh nhân! Nhưng vi khuẩn này có thực sự xuất phát từ mẫu hóa chất chỉ thị màu hay không? Điều này cần xem lại các mẫu kiểm nghiệm đã được lấy từ mẫu nguyên hay mẫu đã dùng rồi. Bởi vì trong bệnh viện, nhất là phòng mổ luôn được cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn cao, nhất là vi khuẩn mủ xanh. Do đó, nếu mẫu hóa chất đã dùng rồi và không bảo quản tốt thì vi khuẩn mủ xanh có khả năng thâm nhập.

Hơn nữa, liệu quy trình phẫu thuật đã đảm bảo vô trùng hay chưa? Các chuyên gia y tế cho rằng, chỉ cần phòng mổ nhiễm khuẩn hay một vật dụng nào đó nhiễm khuẩn thì nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cho bệnh nhân rất lớn.

Yêu cầu ngưng sử dụng hóa chất chỉ thị màu
 
 
Ngày 4-6, BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, đã rà soát tất cả các cơ sở y tế có phẫu thuật mắt Phaco và yêu cầu ngưng sử dụng hóa chất chỉ thị màu. Đồng thời yêu cầu BV Mắt TPHCM tích cực chạy chữa cho 15 bệnh nhân còn lại. Đây là lần đầu tiên phát hiện tình trạng mờ mắt trở lại sau mổ Phaco nên đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế, đề nghị kiểm tra, kết luận.
 
 Thêm 3 bệnh nhân bị mù sau mổ
 
 
Ghi nhận tại BV Mắt TPHCM, ngoài 22 bệnh nhân sau mổ Phaco bị mù trở lại, bệnh viện còn tiếp nhận và đang điều trị 3 trường hợp tương tự. Đó là bà Đ.T.Ngõ (sinh năm 1956, ngụ An Giang), một bệnh nhân ở Lâm Đồng và một bệnh nhân từ Campuchia sang. Trong đó, có 2 bệnh nhân bước đầu xét nghiệm cũng dương tính với vi khuẩn mủ xanh.

TƯỜNG LÂM

- Thông tin liên quan:

>> Hàng chục bệnh nhân bị nhiễm trùng sau mổ mắt: Do chất nhuộm màu

Tin cùng chuyên mục