Dung dịch diệt khuẩn, lợi hại ra sao?

Khuẩn nào cũng chết?
Dung dịch diệt khuẩn, lợi hại ra sao?

Hiện nay hầu như nhà nào cũng có sử dụng các loại dung dịch, hóa chất gia dụng để vệ sinh, diệt khuẩn như nước rửa bồn cầu, rửa chén, nước lau sàn nhà, nước rửa tay, thuốc diệt muỗi, gián… Hầu hết những loại hóa chất trên đều quảng cáo diệt khuẩn, côn trùng tới 99% và sạch trơn, bóng loáng. Nhưng, sự thật về những sản phẩm diệt khuẩn này thật đáng sợ.

Một sạp hàng đầy ắp dung dịch diệt côn trùng ở chợ Kim Biên, quận 5 TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Một sạp hàng đầy ắp dung dịch diệt côn trùng ở chợ Kim Biên, quận 5 TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Khuẩn nào cũng chết?

Dạo một vòng các siêu thị, quầy tạp hóa, chúng tôi hoa cả mắt bởi có số những loại dung dịch, hóa chất dùng tẩy rửa, diệt côn trùng sử dụng trong gia đình. Riêng nước rửa tay, rửa bồn cầu không dưới 10 loại. Ghé qua một quầy tạp hóa trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM, hỏi mua nước rửa tay diệt khuẩn, cô bán hàng niềm nở: “Nhiều thứ lắm, thứ nào cũng diệt trùng tốt. Đảm bảo vi trùng E.Coli cũng chết”.

Đọc kỹ thành phần trên nhãn của gel rửa tay Kleen, chúng tôi thấy ghi Ethanol, Water, Triethanolamine, Carbomer, Fragrance, CI 42090. Nhà sản xuất quảng cáo trên nhãn là công thức đặc biệt, có khả năng diệt 99,99% các loại vi khuẩn có hại cho da và sức khỏe. Còn nước rửa tay Fruiser cũng ghi trên nhãn tới 17 thành phần khác nhau và cũng diệt khuẩn tới 99%. Nước rửa tay Aquala thì chỉ có 12 thành phần nhưng cũng diệt khuẩn 99%. Nghĩa là rửa tay xong thì khó con vi khuẩn nào dính lại trên hai bàn tay!

Ghé qua siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM, chúng tôi cũng không biết chọn loại nước rửa bồn cầu nào vừa hiệu quả vừa an toàn. Nước tẩy rửa bồn cầu hiệu Gift với thể tích thực 700ml được nhà sản xuất ghi trên nhãn “diệt trùng 100%” và tẩy sạch mọi vết bẩn. Trong sản phẩm này có thành phần Las, Axit Hydrocholoric… Còn nước lau sàn Lix chỉ ghi chung chung là “diệt trùng” và “đuổi côn trùng”.

Tại chợ hóa chất Kim Biên (quận 5), các loại hóa chất tẩy rửa, diệt côn trùng bày bán rất đa dạng. Một chủ sạp hàng cho biết muốn mua loại đóng bình, đóng chai đều có hết. Về tác dụng diệt khuẩn, chủ cửa hàng cam đoan “diệt sạch”.

Phòng bệnh - thêm bệnh

Việc các sản phẩm diệt khuẩn có diệt khuẩn đúng như quảng cáo của nhà sản xuất hay không, chẳng ai kiểm chứng được. Trước tình hình nhiều dịch bệnh bùng phát có nguyên nhân từ vệ sinh nhà cửa, nhiều người tiêu dùng ngộ nhận rằng việc sử dụng các loại sản phẩm như trên sẽ có tác dụng. “Về vấn đề này, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đang tiến hành kiểm tra quy trình sản xuất của các công ty, nhà máy và phân tích thành phần hóa học xem có đúng diệt khuẩn, côn trùng như họ nói hay không” - Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, cho biết.

Trong khi đó, đánh giá của các chuyên gia hóa học cho thấy, các chất hoạt động bề mặt là thành phần chính trong sản phẩm tẩy rửa. Xu hướng trên thế giới hiện nay sử dụng những chất phân hủy sinh học. Tuy nhiên, những chất này có giá thành rất đắt, nên các nhà sản xuất trong nước ít sử dụng mà thường sử dụng các loại hóa chất độc hại, khi thải ra môi trường sẽ phá hủy hệ sinh thái.

Theo ghi nhận của Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Nhi đồng 1 TPHCM, những năm gần đây số ca ngộ độc do hít phải các loại thuốc diệt côn trùng tăng cao. Tại hội thảo về hóa chất - phụ gia thực phẩm diễn ra tại TPHCM mới đây, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn cảnh báo các loại hóa chất dùng vô tội vạ cả trong thực phẩm lẫn các dung dịch diệt khuẩn, côn trùng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Nhiều ý kiến còn cho rằng người dân chưa được tư vấn sử dụng chu đáo nên sử dụng không đúng cách, lạm dụng quá nhiều. “Các loại thuốc xịt muỗi, chống kiến theo quy định chỉ là xua muỗi, chống kiến không vào phạm vi cần thiết. Sản phẩm chứa hóa chất càng mạnh thì côn trùng mau chết và khả năng gây ngộ độc khi con người tiếp xúc cũng cao không kém” - một lãnh đạo Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng cho biết.

Tại cuộc họp phòng chống dịch bệnh mới đây, TS-BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết chưa thể khẳng định được các loại dung dịch diệt khuẩn, côn trùng bán trên thị trường hiện nay có hiệu quả như nhà sản xuất ghi trên nhãn hay không.

Theo đánh giá của Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng TPHCM, các sản phẩm tẩy rửa có thêm tác dụng diệt khuẩn, đuổi côn trùng do sử dụng hợp chất clo, hợp chất peroxit có tính độc cao nên sẽ gây hại đến đường hô hấp, da. Các chất phụ gia khử mùi thường mang tính độc, chất oxy hóa và chất khử, các chất này gây hại đường hô hấp, gây thiếu oxy làm cho người sử dụng khó chịu, bị ngộp, khô cổ, gây choáng váng.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục