Ở nơi ổ dịch tay chân miệng

Lo lắng bao trùm
Ở nơi ổ dịch tay chân miệng

Ngồi bên di ảnh đứa cháu ngoại, bà Trần Thị Mai sụt sùi: “Nó đang khỏe mạnh mà nay đã mất rồi. Đã 3 ngày qua, ngôi nhà số 114 đường số 10, khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM không một tiếng cười. Mọi người nhìn nhau lặng thinh, buồn bã sau khi bé gái Nguyễn Lê Bảo Nhi (sinh năm 2007), qua đời tại BV Nhi đồng 2 do mắc bệnh tay chân miệng. Ở khu phố 7, chỉ một đoạn đường số 10 đã có 4 ca mắc bệnh tay chân miệng, 1 ca tử vong. Đây là một điểm “nóng” của bệnh dịch.

Băng rôn tuyên truyền phòng dịch bệnh tay chân miệng treo trước văn phòng khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa B. Ảnh: Tg.Lâm

Băng rôn tuyên truyền phòng dịch bệnh tay chân miệng treo trước văn phòng khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa B. Ảnh: Tg.Lâm

Lo lắng bao trùm

Chưa hết bàng hoàng, ông Lê Chí Thuyết, ông ngoại bé Nhi, nghẹn ngào kể: “Buổi chiều 14-8 cháu biếng ăn, tối sốt nhẹ. Đến sáng 15-8, tôi cho cháu uống thuốc hạ sốt và khoảng 11 giờ trưa, cháu đã không hạ sốt lại còn run, giật mình, chới với”. Không thấy chân tay con nổi các nốt đỏ, bóng nước mà chỉ sốt, ba mẹ Nhi tưởng con chỉ cảm sốt do thời tiết. Nhưng để yên tâm, khoảng 12 giờ trưa 15-8, gia đình đưa bé vô BV Nhi đồng 2 khám, thử máu và được bác sĩ chẩn đoán viêm họng, mắc bệnh tay chân miệng độ I và kê toa thuốc cho về nhà uống. Ông Thuyết cho biết, đến 3 giờ chiều, bé không chịu ăn cháo và khoảng 2 giờ sau nôn ói, co giật, sốt cao, tay run. Quá lo sợ, gia đình đưa bé cấp cứu tại BV Nhi đồng 2 lúc 22 giờ cùng ngày. Tuy nhiên, sau khi cấp cứu được 2 ngày, đến sáng 18-8, bé qua đời do biến chứng sốc nặng của bệnh tay chân miệng… Em họ của bé Nhi, 14 tháng tuổi cũng bị mắc tay chân miệng và xuất viện ngày 21-8. Từ đầu mùa dịch đến nay, ông Thuyết vốn là tổ phó tổ dân phố được giao nhiệm vụ phát hóa chất Cloramin B diệt khuẩn cho bà con lối xóm. Bản thân ông cũng ý thức sử dụng Cloramin B sát khuẩn. “Tôi không hiểu vì sao cháu tôi mắc tay chân miệng vì gia đình đã đảm bảo sát khuẩn đúng quy định”, ông Thuyết băn khoăn.

Cách nhà ông Thuyết không xa, ngôi nhà số 85 từ 2 hôm nay cũng cửa đóng then cài. Ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng ban điều hành khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa B, cho biết ngôi nhà đó cũng có một trẻ mắc tay chân miệng mới nhập viện sáng 21-8. Còn cách nay chừng 1 tháng, bé gái 3 tuổi ở nhà số 120/1 cũng mắc tay chân miệng và may mắn được cấp cứu kịp thời nên đã khỏe mạnh. “Sáng 22-8, y tế dự phòng quận đã về điều tra, tìm hiểu tình hình dịch bệnh ở khu phố. Sau ca tử vong do mắc tay chân miệng, hiện người dân khu phố bắt đầu lo lắng”, ông Sơn nói.

Xin hóa chất... pha uống!

* Tính đến ngày 20-8, Sở Y tế TPHCM ghi nhận toàn TP đã có 7.683 ca bệnh tay chân miệng, 24 ca tử vong. Theo Sở Y tế TPHCM, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu chững lại nhưng số ca mắc bệnh vẫn ở mức cao. Từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi tuần TPHCM phát hiện trung bình 300-320 ca. Trong đó, các địa phương có số ca bệnh cao nhất là quận 8 (674 ca), huyện Bình Chánh (591 ca), quận Bình Tân (540 ca).

Khảo sát khu vực ổ dịch tay chân miệng tại khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa chiều 22-8, cho thấy môi trường không quá mất vệ sinh, ngoại trừ những con đường đất vẫn lầy lội ao tù, nước đọng. Nhiều hộ dân trên đường số 10 có nhà thấp hơn mặt đường nên khi có mưa là nước ứ đọng.

Gần ổ dịch, Trường Mầm non Phong Lan cũng đã đóng cửa bởi sợ dịch bệnh tấn công. Riêng Trường Mầm non Ngọc Lan ở số 76 đường số 10 vẫn hoạt động. Cô giáo Võ Thị Thu Nga cho biết, toàn trường được tuyên truyền phòng dịch bệnh tay chân miệng, mỗi tuần đều sát khuẩn trường lớp và rửa đồ chơi bằng hóa chất Cloramin B 3 lần.

Khi được hỏi có biết đang có ổ dịch bệnh tay chân miệng gần trường không, cô Nga nói biết nhưng nhà trường tuân thủ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để còn giữ trẻ cho các gia đình công nhân đi làm. Hiện Trường Mầm non Ngọc Lan đang nhận trông 50 cháu và từ đầu mùa dịch bệnh tay chân miệng đến nay chưa có cháu nào mắc bệnh.

Ông Nguyễn Thế Sơn cho biết, toàn khu phố có 136 trẻ dưới 5 tuổi và ngay khi dịch bệnh tay chân miệng bùng phát, khu phố đã phát tờ rơi và hóa chất Cloramin B xuống từng nhà nhưng các hộ có sử dụng hay không thì không ai dám chắc. Đến nay, khu phố đã có 3 đợt phát Cloramin B diệt khuẩn cho bà con. Tuy nhiên, theo ông Sơn, ý thức người dân chưa cao, có hộ đã được phát tờ rơi nhưng không chịu đọc, cán bộ y tế tuyên truyền không chịu nghe nên khi nhận Cloramin B rồi, có người dân còn hỏi hòa thuốc với bao nhiêu lít nước để uống?

Ông Kiều Công Quang, Bí thư Chi bộ khu phố 7, nói đã phân công các đảng viên đi tuyên truyền, triển khai phòng chống dịch tay chân miệng cho bà con. Chi bộ cũng đề nghị phát hóa chất đại trà cho bà con để phòng dịch bệnh chứ không phát cho những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi nữa.

Từ đầu năm đến nay, Bình Tân là một trong những quận “nóng” về dịch bệnh tay chân miệng. Tính đến nay, toàn quận đã có 540 ca mắc, ít nhất 3 ca tử vong. Ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng và các trạm y tế, UBND các phường quyết liệt ngăn chặn dịch tay chân miệng.

Tuy nhiên, với 203 ca mắc từ giữa tháng 6 vừa qua, nay đã tăng gần gấp 3 khiến người dân nghi ngại khả năng phòng dịch của chính quyền địa phương.

Điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 HCM. Ảnh: Tg.LÂM

Điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 HCM. Ảnh: Tg.LÂM

Tường Lâm

>> 8 thông điệp phòng chống bệnh tay chân miệng

Tin cùng chuyên mục