Phập phồng sợ chuột gây bệnh

Thời gian qua, người dân tại một số địa bàn ở TPHCM đau đầu vì bị chuột hoành hành. Chuột không chỉ cắn phá vật dụng trong nhà mà còn “tấn công” người và lây truyền bệnh…

Thời gian qua, người dân tại một số địa bàn ở TPHCM đau đầu vì bị chuột hoành hành. Chuột không chỉ cắn phá vật dụng trong nhà mà còn “tấn công” người và lây truyền bệnh…

Ông Võ Văn Thạch (57 tuổi, ngụ tại khu phố 4, phường Bình An, quận 2, TPHCM) than phiền: “Không biết ở đâu ra mà dạo này chuột lắm thế? Chúng cắn phá đồ đạc khắp nơi, đêm chúng đuổi nhau rầm rầm trên mái nhà. Chỉ trong 1 tuần đặt bẫy tôi đã tóm được 8 con. Tuy nhiên, chỉ tóm được chuột nhắt còn chuột cống thì bó tay”.

Không chỉ phá đồ đạc, lũ chuột còn cắn cả người đang ngủ. Anh Nguyễn Văn Long, ngụ phường Linh Tây, quận Thủ Đức cho biết, nhiều khi đang ngủ bỗng giật mình vì chuột cắn chân. Có lần chảy cả máu. Ghi nhận tại TPHCM, trong vòng 2 tháng qua đã có 2 bệnh nhân bị chuột cắn phải nhập viện cấp cứu. Theo lời bệnh nhân Trần Văn T., SN 1958, ngụ phường 9 quận 3, TPHCM kể thì trong khi ngủ ông bị một con chuột cắn chân.

Vài ngày sau ông  T. bị sốt và trên người xuất hiện một số nốt ban màu đỏ. Gia đình đưa ông vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vì nghi sốt xuất huyết. Một ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân T. chuyển biến suy thận. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus Hanta. Sau khi ông T. xuất viện được hơn 1 tuần thì khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cũng phát hiện trường hợp bệnh nhân Trần Văn P., 16 tuổi cũng sốt sau khi bị chuột cắn, phải vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa quận Phú Nhuận.

Theo Viện Pasteur TPHCM, kết quả xét nghiệm trong số 25 con chuột (chuột cống nâu và chuột lắt) được cơ quan chức năng bắt ngẫu nhiên tại khu vực phường 9, quận 3, TPHCM cho thấy, một số mẫu chuột nhiễm virus Hanta, có khả năng gây suy gan, suy thận cấp cho người. Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu (Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM), virus Hanta có trong nước bọt và nước tiểu của chuột, ngay cả khi chết xác chuột vẫn còn phóng thích virus này.

Virus Hanta lây từ chuột sang người theo hai đường là hít phải khí của nước tiểu chuột hoặc bị chuột nhiễm virus cắn. Thời gian từ khi người bị nhiễm virus Hanta đến khi phát bệnh khoảng 9-35 ngày (đa số từ 9-24 ngày). Bệnh nhân nhiễm virus Hanta phát bệnh có các triệu chứng: Sốt cao (từ 3-5 ngày, có khi sốt kéo dài 4-6 tuần), khó thở, đau cơ, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng (tăng dần), tiêu chảy, suy gan, suy thận cấp. Bệnh có thể khỏi sau 7-10 ngày điều trị nhưng nguy hiểm là vì chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị và có thể tử vong trong trường hợp suy gan, suy thận cấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị nhiễm virus Hanta mà tùy vào cơ địa từng người. Virus Hanta cũng không truyền bệnh từ người sang người.

Cũng theo TS-BS Siêu, chuột là loài vật mang nhiều mầm bệnh, thông thường vết cắn có thể gây nhiễm vi trùng uốn ván. Trước đây người ta cũng lo ngại chuột cắn có thể lây bệnh dại, tuy nhiên thực tế cho thấy khả năng truyền bệnh dại cho người qua vết cắn rất hiếm. Do đó khi bị chuột cắn, ngoài việc săn sóc vết thương nên đến cơ sở y tế chích ngừa uốn ván. Trường hợp hiếm, bác sĩ có thể cho chỉ định chích ngừa dại nếu nhận thấy nguy cơ. Chuột truyền mầm bệnh virus Hanta qua nước tiểu, qua vết cắn. Phổ biến nhất là đường hô hấp khi bệnh nhân hít phải khí từ nước tiểu chuột. Bệnh nhiễm virus Hanta  chỉ xuất hiện lẻ tẻ tại nước ta, không gây thành dịch. Nếu rơi vào thể nặng, bệnh nhân bị suy thận cấp, xuất huyết nặng và tử vong nhanh. Nếu thể nhẹ thì có thể tự khỏi sau 1-2 tuần.

Hiện nay chuột xuất hiện ở TPHCM là do có quá nhiều nguồn thức ăn, các bãi rác thải… và do các phương pháp diệt chuột chưa hiệu quả... Khi người dân thấy có hiện tượng chuột tăng số lượng bất thường, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, nên báo cho Trung tâm Y tế dự phòng của địa phương để có kế hoạch đặt thuốc diệt chuột. Sau khi diệt chuột, nếu thấy kết quả không khả quan phải báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng địa phương để khảo sát lại và có phương pháp diệt chuột hiệu quả hơn. Khi bị chuột cắn, người dân phải rửa sạch vết thương, băng bó sơ và đến ngay trạm y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để xử lý vết thương, chích ngừa uốn ván. Người bệnh có thể đến Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM để được khám và tư vấn, chích ngừa.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục