Làm nghề y, nhất định phải đặt đạo đức lên hàng đầu

Liên tiếp những vụ việc liên quan đến y đức trong thời gian qua đã gây bức xúc lớn trong xã hội. Bà Trương Thị Mai (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, phải tăng cường đào tạo để tăng thêm danh dự, ý thức về nhiệm vụ của ngành cứu người.* Phóng viên:
Làm nghề y, nhất định phải đặt đạo đức lên hàng đầu

Liên tiếp những vụ việc liên quan đến y đức trong thời gian qua đã gây bức xúc lớn trong xã hội. Bà Trương Thị Mai (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, phải tăng cường đào tạo để tăng thêm danh dự, ý thức về nhiệm vụ của ngành cứu người.

* Phóng viên:
Theo bà, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cần thiết tiến hành một cuộc giám sát tối cao về vấn đề y đức?

* Bà TRƯƠNG THỊ MAI: Vấn đề y đức không phải đến khi có sự cố mới đặt ra, bình thường tất cả các bệnh viện, cán bộ nhân viên y tế phải thực hiện theo đúng quy chuẩn ban hành của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng có lẽ về vấn đề giám sát y đức, tôi cho là Bộ Y tế phải thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến y đức. Sau những sự việc như vừa rồi, Bộ Y tế càng phải mạnh tay hơn và các địa phương cũng phải thắt chặt hơn việc kiểm tra các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Cái đó mới đi đến việc đặt y đức lên cao.

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trong quá trình làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thực hiện lời hứa khi chất vấn tại Quốc hội cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế phải làm mạnh mẽ hơn, phải có hoạt động thanh tra, kiểm tra sát sao hơn. Cần hiểu rằng, cả ngành có hàng trăm, hàng chục ngàn cán bộ y bác sĩ rất tâm huyết, hết lòng tập trung trị bệnh cứu người nhưng chỉ cần một vụ việc nghiêm trọng là có thể làm cho hình ảnh ngành y tế bị ảnh hưởng tồi tệ.

* Dư luận bức xúc vì ngành y là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, càng đòi hỏi đạo đức rất cao. Bởi thế khi xảy ra những vụ đau lòng trong thời gian qua, nhất là vụ bác sĩ phi tang xác bệnh nhân thì phẫn nộ của xã hội đã lên đến đỉnh điểm?

* Thực tế không phải là bản thân ngành y tế không thấy, xã hội không thấy yêu cầu cao đối với những ngành như y tế, giáo dục. Tại sao trong xã hội chỉ có ngành y tế, giáo dục mới có những người được tôn vinh là Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân mà các ngành khác không được? Đó là bởi người ta đặt vị trí nghề này rất cao, nên yêu cầu đạo đức về nghề này cũng rất cao. Những người làm nghề y, nghề giáo nhất định phải đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Nó tạo nên danh dự của cả một ngành nghề chứ không chỉ là cá nhân. Còn tất nhiên trong quá trình thực hiện có những việc phải điều chỉnh.

Như lần này báo cáo giám sát tối cao về lĩnh vực y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung vào cơ chế xã hội hóa ở các bệnh viện. Nó đã góp phần tăng thêm thu nhập cho các bệnh viện để cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân viên, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một số vấn đề phát sinh bất hợp lý phải thay đổi nhiều, không phải chỉ bản thân ngành y tế mà Nhà nước tới đây cũng phải tiếp tục nghiên cứu. Ví dụ xã hội hóa làm thế nào để không tạo ra sự phân biệt, từ khâu khám chữa bệnh cho nhân dân và khám bệnh bằng bảo hiểm y tế. Nói chung, những vấn đề đó đều có tác động ít nhiều đến việc cải thiện y đức.

* Giải pháp nào có thể đẩy mạnh để tăng cường y đức trong thời gian tới, thưa bà?

* Bây giờ chúng ta cần phải rà lại các quy trình để xem xét có vấn đề nào còn thiếu về mặt luật pháp, cần tăng cường rà soát. Ví dụ y đức có những vấn đề quy định trong luật được, nhưng cũng có những vấn đề thuộc về đạo đức. Như vậy là phải giáo dục, vận động, xây dựng dần chứ không thể bằng chế tài, biện pháp được. Không chỉ y tế, các ngành khác cũng có những khía cạnh thuộc về đạo đức xã hội, phải thông qua tự ý thức, nhận thức, qua vận động tuyên truyền. Cũng phải tăng cường đào tạo để tăng thêm danh dự, ý thức về nhiệm vụ của ngành cứu người. Bao nhiêu lời giáo dục, răn dạy “lương y như từ mẫu”, bao nhiêu niềm tin của xã hội như thế, tại sao không giữ gìn mà để cho một bộ phận nhỏ làm hỏng hình ảnh đó đi?

Thật ra vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nỗ lực nhiều nhưng tôi thấy chưa đủ mạnh mẽ nên những việc này vẫn cứ diễn ra, khoảng 1 - 2 tháng lại xảy ra một vụ việc. Tôi cũng khẳng định là ngành y tế cũng rất đau lòng. Như Bệnh viện Bạch Mai, các cán bộ, nhân viên cũng nói người ta cảm thấy như một nỗi nhục, đau xót. Không riêng vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, nhiều vấn đề liên quan đến y đức mà báo chí, người dân đã phản ánh. Ngành y tế phải đồng tâm hiệp lực, nâng cao danh dự của ngành để làm sao khắc phục được.

* Trở lại vụ bác sĩ phi tang xác bệnh nhân xuống sông. Thẩm mỹ viện Cát Tường do bác sĩ Tường làm chủ, nằm gần Bệnh viện Bạch Mai mà lãnh đạo bệnh viện này lại cho rằng không biết nhân viên của mình làm ở đó. Điều này đặt ra vấn đề gì trong cách quản lý bác sĩ của các bệnh viện hiện nay?

* Về câu chuyện quản lý nhà nước và quản lý tại các bệnh viện, qua sự việc này rõ ràng phải tăng cường công tác quản lý. Đối với các địa phương, các sở đều phải tăng cường quản lý. Các cơ sở y tế tư, phòng khám tư, bệnh viện tư trên địa bàn của mình, các địa phương, các sở đều phải thẩm tra. Cơ sở nào không có giấy phép thì phải đình chỉ hoạt động ngay, thậm chí có giấy phép rồi nhưng vi phạm, gây ra sự cố cũng phải dừng ngay hoạt động. Mặt khác, các bệnh viện phải quản lý cán bộ, công nhân viên của mình chặt chẽ hơn.

Theo tôi, Nhà nước cho phép bác sĩ ra ngoài làm tư, nhưng bệnh viện, cơ quan chủ quản bác sĩ đó phải biết được là ngoài công việc chính, ngoài giờ hành chính, bác sĩ đó có 1 phòng khám tư bên ngoài. Việc này nhằm tránh tình trạng như lâu nay dư luận đã nói là bác sĩ cấu kết đưa bệnh nhân trong bệnh viện ra phòng khám bên ngoài của mình. Những sự cố xảy ra tại phòng khám bên ngoài như thế cũng gây ra những vấn đề không hay cho bệnh viện.

LÂM NGUYÊN - Ảnh: HÀ LÊ

- Thông tin liên quan:

>> Vụ bác sĩ phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng: Trách nhiệm thuộc nhiều phía!

Tin cùng chuyên mục