Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh: Sẽ giám sát 100% số cơ sở sản xuất

Trước thông tin CESCON công bố hàng loạt mẫu bún, phở, bánh canh chứa chất tẩy trắng huỳnh quang (Tinopal) độc hại khiến dư luận vô cùng hoang mang, trao đổi với báo giới ngày 24-7, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM và ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết đang xem xét lại trách nhiệm quản lý và sẽ giám sát 100% số cơ sở sản xuất, cung cấp. * Đài truyền hình HTV:

Trước thông tin CESCON công bố hàng loạt mẫu bún, phở, bánh canh chứa chất tẩy trắng huỳnh quang (Tinopal) độc hại khiến dư luận vô cùng hoang mang, trao đổi với báo giới ngày 24-7, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM và ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết đang xem xét lại trách nhiệm quản lý và sẽ giám sát 100% số cơ sở sản xuất, cung cấp.

* Đài truyền hình HTV:
Xin PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết những biện pháp cụ thể mà Sở Y tế triển khai trước vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện nay trên địa bàn TPHCM?

* PGS-TS NGUYỄN TẤN BỈNH: Từ 6 tháng năm 2013 đến nay, đoàn công tác liên ngành ATVSTP dưới sự chủ trì của Sở Y tế đã thanh tra, kiểm tra và lấy mẫu tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn TPHCM. Kết quả cho thấy 973/5.094 mẫu không đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Toàn bộ mẫu không đạt đều được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, theo thông tin cảnh báo, Chi cục ATVSTP lấy 81 mẫu hạt hướng dương, chén nhựa, hộp xốp, nước giải khát, trà sữa trân châu, bún tươi, hành tươi, tỏi, sả xay…

Kết quả các mẫu lấy ngẫu nhiên ở các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn TPHCM cho thấy 27 mẫu không đạt (chiếm 33,3%), tập trung ở các mẫu bún, hạt trân châu, sả xay, dừa tươi, nước giải khát đường phố. Qua kết quả đó cũng như những thông tin trên báo chí, Cục Quản lý ATTP của Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế thanh tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, chế biến bún tươi, bánh canh cũng như phở tại TPHCM. Trước mắt là tập trung vào các cơ sở sản xuất lớn, đầu mối cung cấp cho thị trường TPHCM.

Đầu tuần sau, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP sẽ chủ trì cuộc họp với các cơ sở sản xuất kinh doanh bún, phở tươi, bánh canh ký cam kết không sử dụng phụ gia độc hại nằm ngoài danh mục cho phép trong quá trình sản xuất, chế biến. Đồng thời giám sát 100% số cơ sở sản xuất kinh doanh những thực phẩm này và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm ATVSTP, kể cả ngưng giấy phép hành nghề. Đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh ghi nhãn mác trên bao bì để người dân an tâm khi lựa chọn những sản phẩm an toàn.

* Báo SGGP: Với vai trò là Phó ban Chỉ đạo ATVSTP TPHCM, trách nhiệm của cơ quan quản lý Sở Y tế như thế nào?

* Ông HUỲNH LÊ THÁI HÒA: Theo Nghị định 38 của Chính phủ, Sở Y tế chỉ chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm chức năng, nước uống (đóng chai, bình), nước khoáng, phụ gia thực phẩm và các bao bì trực tiếp tiếp xúc thực phẩm mà ngành y tế quản lý thực phẩm đó. Còn về bún, phở, bánh canh, trách nhiệm của Sở Y tế là lấy mẫu giám sát và cảnh báo. Sau khi lấy mẫu, Sở Y tế tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành chỉ đạo cho các sở ngành liên quan có giải pháp chấn chỉnh để kiểm soát.

Chúng tôi không biết chức năng, nhiệm vụ của CESCON. Phương pháp lấy mẫu, phương pháp kiểm nghiệm theo quy trình nào, chúng tôi chưa nắm được nên chưa có ý kiến.

* Báo Lao động: Trách nhiệm giám sát của Sở Y tế đến đâu mà qua một đợt kiểm tra lấy mẫu đã cho thấy nhiều mẫu nhiễm bẩn như vậy?

* Ông HUỲNH LÊ THÁI HÒA: Trách nhiệm của y tế là giám sát ngoài thị trường và chúng tôi đã nói rõ là giám sát có trọng điểm theo thông tin cảnh báo nên tỷ lệ nhiễm phụ gia độc hại cao là đương nhiên. Còn lấy mẫu ở các quán bún riêu, ở chợ thì bún, phở không buộc dán nhãn mác nên không thể truy nguyên nguồn gốc. Những sản phẩm bị nhiễm không phải do người kinh doanh bỏ vào mà xuất phát từ cơ sở sản xuất cho nên phải tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, lấy mẫu xét nghiệm. Theo tôi chỉ có thể quản chặt nhà sản xuất, vì chỉ nhà sản xuất mới biết họ bỏ chất gì vào, chất lượng sản phẩm ra sao. Cơ quan quản lý cũng mù mờ không biết cơ sở bỏ gì vào thì người dân làm sao biết!

"Tôi thấy đến giờ mà các cơ quan chức năng vẫn đang đùn đẩy trách nhiệm quản lý. Vậy lâu nay ai quản lý hay “bỏ ngỏ”! Nếu lâu nay có kiểm tra giám sát thì như muối bỏ bể, và người tiêu dùng gánh chịu. Người tiêu dùng không biết được chất lượng bún, phở, bánh canh và thậm chí tin tưởng siêu thị là an toàn nhất, nhưng ở siêu thị cũng bị “dính” nhiễm chất độc thì phải xem xét lại trách nhiệm cơ quan chức năng"

Bác sĩ Trần Văn Ký,
Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam

*****

* Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), cho biết, từ đầu năm 2013 tới nay, số vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng giảm, song số người mắc và phải nhập viện vẫn ở mức cao. Qua điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ nguyên nhân của 44 vụ do vi sinh vật, 18 vụ do độc tố tự nhiên, 3 vụ do hóa chất và 22 vụ chưa xác định rõ căn nguyên. Đáng chú ý từ đầu tháng 7 tới nay, số vụ ngộ độc có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ngộ độc tập thể làm nhiều người mắc ở bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Cục Quản lý ATTP đã có công văn gửi Sở Y tế TPHCM và Chi cục ATVSTP các địa phương về việc tăng cường kiểm soát ATTP đối với bún, bánh canh, bánh phở tươi.

* Theo Cục Quản lý ATTP, kết quả kiểm tra 14 mẫu bún tươi cho thấy, với 7 mẫu ở Hà Nội, chưa có mẫu bún nào sử dụng hóa chất cấm Tinopal, Formol, trong khi hàm lượng Natri sulfit, Natri Benzoate đều trong giới hạn cho phép. Cục cũng phát hiện cả 7 mẫu bún ở TPHCM chứa chất tẩy trắng Tinopal; đồng thời có 2 mẫu bún chứa acid Oxalic, 1 mẫu bún có chứa chất bảo quản Natri Benzoat vượt giới hạn cho phép.

TƯỜNG LÂM (thực hiện)

- Thông tin liên quan:

>> Bún tại Siêu thị Co.opmart không chất tinopal

>> 80% số mẫu bún, bánh có sử dụng chất làm trắng tinopal

Tin cùng chuyên mục