Bộ Y tế: Thiếu vắc xin dịch vụ do nhà sản xuất không cung ứng đủ

Đây là thông tin được T.S Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết tại cuộc họp báo diễn ra ngày 26-12 tại Hà Nội.
Bộ Y tế: Thiếu vắc xin dịch vụ do nhà sản xuất không cung ứng đủ

(SGGPO).- Đây là thông tin được T.S Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết tại cuộc họp báo diễn ra ngày 26-12 tại Hà Nội.

Mở đầu buổi họp báo, T.S Trương Quốc Cường không dấu được thất vọng trước việc người dân xếp hàng suốt đêm, chen lấn nhau để tiêm vắc xin dịch vụ "5 trong 1" Pentaxim cho trẻ ở phòng tiêm chủng Polyvac số 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) vào đêm Noel vừa qua.

 Trước nhiều câu hỏi của báo chí về tình hình cung ứng vắc xin dịch vụ, Cục trưởng Trương Quốc Cường cho biết, hiện thế giới có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vắc xin ho gà vô bào là Nhật Bản, hãng GSK và Sanofi Pasteur. Tuy nhiên phía Nhật Bản không xuất khẩu mà chỉ sản xuất vắc xin đủ dùng trong nước. Còn lại 2 hãng là GSK và Sanofi Pasteur, nhưng GSK năm ngoái đã kiểm tra và phát hiện một số lô không đủ hiệu giá kháng thể, hơn nữa họ ưu tiên cung cấp vắc xin ho gà vô bào cho các quốc gia dùng loại vắc xin này trong tiêm chủng mở rộng. Còn ở Việt Nam, loại vắc xin này được sử dụng làm dịch vụ số lượng không nhiều, hơn nữa nếu thiếu đã có Quinvaxem nên GSK không ưu tiên.

Chờ đợi cả đêm để tiêm vắc xin dịch vụ cho trẻ tại Hà Nội

“Người dân không thể so sánh với Singapore vì họ tiêm Pentaxim trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó trước nguồn cung vắc xin dịch vụ hạn chế, Bộ Y tế đã nhiều lần đàm phán với Sanofi Pasteur và họ đồng ý cung cấp cho Việt Nam khoảng 200.000 liều Pentaxim. Tuy nhiên, số vắc xin Pentaxim này không được cung cấp một lần mà được chuyển về Việt Nam trong 2 đợt là 160.000 liều vào tháng 12 và 40.000 liều còn lại phải đợi đến tháng 2 -2016. Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược đã tìm hết cách, từ Pháp đến Nhật, Hàn Quốc. Ngay như Pháp hiện cũng có thông tin thiếu vaccine..."- T.S Trương Quốc Cường cho biết.

Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cũng cho biết, khi đã có vắc xin về Việt Nam, Cục đã yêu cầu công khai minh bạch và đã công bố danh sách 161 điểm tiêm chủng vắc xin toàn quốc. Giá trần là 630.000 đồng/liều.

Đáng chú ý, lãnh đạo Cục Quản lý Dược cũng cho biết hiện đang tìm thêm nguồn nhập khẩu loại vắc xin "5 trong 1" và "6 trong 1". Hiện nay có vắc xin Hexaxim cũng có thành phần ho gà vô bào, đã tiêm thử nghiệm ở Thái Bình cho 354 trẻ. Nếu đảm bảo hiệu giá kháng thể thì Cục có thể nghiệm thu, cấp phép lưu hành vào tháng 6-2016.

Liên quan tới vắc xin "xách tay", T.S Trương Quốc Cường nêu rõ, Bộ Y tế không cho phép sử dụng vắc xin "xách tay" vì không đủ điều kiện bảo quản, an toàn về chất lượng sẽ dẫn tới phản ứng cho trẻ. "Thông tin nếu sang Thái Lan hoặc một số nước mua vắc xin sẽ rẻ hơn là không chính xác vì những quốc gia đó không phải nơi sản xuất vắc xin. Còn nếu có nhiều thì là vắc xin trôi nổi chợ đen và không đảm bảo an toàn..." - Cục trưởng Quản lý Dược nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cũng đã bày tỏ lo lắng về nguy cơ dịch bệnh ở trẻ nhỏ sẽ bùng phát khi hiện nay nhiều gia đình có tâm lý chờ đợi, phụ thuộc vắc xin dịch vụ mà không cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khẳng định, tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ thời gian qua chủ yếu ở 2 loại vắc xin "5 trong 1" Pentaxim và "6 trong 1" Infranxi Hexa, còn trong Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đảm bảo cung cấp đủ vắc xin "5 trong 1" có thành phần tương đương "5 trong 1" dịch vụ là vắc xin Quinvaxem.

 Trước việc người dân lo ngại về nguy cơ phản ứng của trẻ sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, PGS.TS  Nguyễn Đắc Phu cho biết, thành phần ho gà toàn tế bào trong Quinvaxem có thể gây phản ứng sốt, sưng đau sau tiêm. Tuy nhiên, dù là vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hay vắc xin dịch vụ đều có tỉ lệ phản ứng sau tiêm.

Cục trưởng Y tế dự phòng cũng cho biết, vắc xin dịch vụ khan hiếm nhưng không phải Bộ Y tế cấm nhập mà vì nhà sản xuất không cung ứng đủ.

 Ông Nguyễn Nhật Cảm-  Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, để tránh tình trạng lộn xộn như sự việc xảy ra ngày 25-12 tại điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội  đưa ra phương án sẽ cho người dân đăng ký tiêm chủng qua mạng internet và không phải xếp hàng, mọi thông tin sẽ công khai chi tiết trên trang website của Sở Y tế. Mục đích của việc này là nhằm hạn chế thấp nhất sự phiền hà cho người dân và trục lợi của một số đối tượng. " Đăng ký là khâu khó nhất, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã lường trước việc đăng ký ảo trên mạng, do đó người dân khi đăng ký sẽ khai rõ họ tên, ngày sinh của trẻ, họ tên và chứng minh thư cha mẹ. Khi tới tiêm, người dân mang đầy đủ giấy tờ trên để đối chứng..."- ông Cảm nêu rõ.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục