Triển khai các biện pháp ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh Mers- Cov xâm nhập vào Việt Nam

Sáng 2-6, trước tình hình hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (Mers- Cov) diễn biến phức tạp với số người mắc và tử vong tăng cao ở Hàn Quốc, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Mers-Cov, Bộ Y tế, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã có buổi họp khẩn để triển khai các biện pháp ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh này.
Triển khai các biện pháp ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh Mers- Cov xâm nhập vào Việt Nam

(SGGPO). - Sáng 2-6, trước tình hình hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (Mers- Cov) diễn biến phức tạp với số người mắc và tử vong tăng cao ở Hàn Quốc, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Mers-Cov, Bộ Y tế, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã có buổi họp khẩn để triển khai các biện pháp ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh này.

Nhận định về diễn biến của Mers - Cov, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tếi cho biết, trong vòng 10 ngày qua, Hàn Quốc đã ghi nhận 25 ca lây nhiễm virus Mers-Cov, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Trước sự lây lan nhanh chóng của Mers -Cov, Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông là dịch bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mặc dù cho tới thời điểm này chưa ghi nhận có trường hợp mắc Mers- Cov nhưng nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập vào nước ta là hoàn có thể. Bởi lẽ có nhiều công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập về từ vùng có dịch. Bên cạnh đó công dân từ các quốc gia khác đã xuất phát hay đi qua vùng có dịch nhập cảnh Việt Nam cũng không phải là ít.

"Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là dịch bệnh Mers-Cov không có khả năng lây lan vào Việt Nam nếu chúng ta không có những nỗ lực kiểm soát, phòng chống thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. "- Cục trưởng Trần Đắc Phu cảnh báo.

Thực tế cho thấy, trong hơn 5 tháng qua, số người nhập cảnh vào Việt Nam tới từ 9 quốc gia vùng Trung Đông có dịch Mers-Cov là trên 23.000 người, trong đó có gần 5.000 người/tháng qua 2 cửa khẩu quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Sử dụng máy đo thân nhiệt giám sát khách nhập cảnh ở sân bay Nội Bài để kịp thời phát hiện bệnh nhân nhiễm Mers-Cov

 

 Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus Corona gây ra, đây là loại virus rất nguy hiểm giống với virus SARS từng gây ra đại dịch vào năm 2003. Mers-CoV là một bệnh viêm đường hô hấp cấp tính có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh xảy ra lần đầu tiên tại Arab Saudi từ năm 2012 và đến nay đã có 1.154 người mắc và 434 ca tử vong tại 26 nước, trong đó số ca mắc tại chỗ là 9 nước, ca bệnh xâm nhập là 17 nước.

 

Trước mối đe dọa rất đáng ngại của Mers-Cov, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ, tốc độ bệnh lây lan của Mers- Cov rất nhanh, như tại Hàn Quốc mặc dù quốc gia này có hệ thống y tế rất tốt. Trong khi đó, sự giao lưu, qua lại giữa người dân Việt Nam và Hàn Quốc lại rất lớn. Vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, tại các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt là Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải ngay lập tức áp dụng ngay tờ khai y tế với các hành khách nhập cảnh đi từ Hàn Quốc và Bahrain bên cạnh 9 nước vùng Trung Đông đang áp dụng. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên ngay từ cửa khẩu, nhằm tránh lây lan cho cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu nhanh chóng in tờ khai y tế  bằng tiếng Anh, Việt và Hàn, cũng như in các tờ rơi phát trên máy bay, cửa khẩu phải có tiếng Hàn để cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm trên. Đồng thời, các đơn vị y tế chức năng cần nhanh chóng kích hoạt toàn bộ hệ thống đánh giá, rà soát lại các biện pháp triển khai phòng chống dịch Mers-Cov xâm nhập vào Việt Nam và luôn cảnh giác trước nguy cơ ca bệnh có thể xâm nhập bất cứ lúc nào.

Hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc, Trung Đông khai báo y tế tại sân bay Nội Bài.

Trong khi đó, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, hiện nay chưa có bằng chứng về sự biến đổi của chủng virus Mers -Cov hay lây lan dịch trong cộng đồng. Chùm ca bệnh xảy ra trong cơ sở khám chữa bệnh là chủ yếu vì thế việc phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế là vấn đề cần phải được quan tâm hàng đầu. Cùng với đó cần phải nâng cao nhận thức của người dân đi từ vùng có dịch về.

Đại diện CDC cũng khuyến cáo, Việt Nam nên xây dựng kế hoạch đối phó dịch Mers- Cov trong thời gian dài nhằm tạo tiềm thức cho cán bộ y tế và người dân về việc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này vì virus Mers-Cov có thể tồn tại trong thời gian dài và lưu hành trên động vật.

Phát biểu tại cuộc họp,  Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, dịch bệnh Mers- Cov là rất nguy hiểm nhưng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Ngành y tế quyết tâm ngăn chặn không để dịch bệnh Mers- Cov xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến cáo, trong thời điểm hiện nay, người dân tốt nhất không di du lịch, công tác tới các nước vùng Trung Đông đang có dịch, trừ khi quá cấp thiết. Những người đi về từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Trung Đông về đều phải khai báo tại cửa khẩu, chủ động khai báo với cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe khi đi khám chữa bệnh.

KHÁNH NGUYỄN

>> Hàn Quốc: Hai bệnh nhân nhiễm MERS đã tử vong

>> Hàn Quốc phát hiện thêm 3 trường hợp nhiễm MERS

Tin cùng chuyên mục