Các đội phản ứng nhanh phòng chống MERS-CoV trực 24/24 giờ

KHÁNH NGUYỄN

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai hoạt động sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh MERS-CoV và kế hoạch trong thời gian tới, được tổ chức ngày 15-6, tại Hà Nội.

Cùng ngày, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước triển khai ngay việc phòng chống MERS-CoV đối với công dân nước ngoài tại Việt Nam.

Theo báo cáo giám sát của Cục Y tế dự phòng, hiện nay diễn biến dịch bệnh MERS-CoV vẫn rất phức tạp và lây lan nhanh ở Hàn Quốc. Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc MERS-CoV nhưng nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập, lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Hàn Quốc và các quốc gia Trung Đông.

Trước tình hình trên, hiện nay, các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM đang khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, đồng thời có những phương án kiểm soát, giám sát nguy cơ. Tăng cường giám sát tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, phát tờ khai y tế cho hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc, các nước vùng Trung Đông và thông tin danh sách hành khách về từng địa phương để tiếp tục theo dõi, giám sát và ứng biến kịp thời. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại trung tâm y tế các quận, huyện và trạm y tế xã, phường về các biện pháp phòng chống dịch, giám sát tại cộng đồng, cơ sở y tế, sẵn sàng kích hoạt mọi hoạt động phòng chống dịch MERS-CoV, ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Một trong các hoạt động cần được ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến cáo tới cộng đồng và cán bộ y tế để nâng cao tính chủ động trong phòng chống dịch bệnh. Các bệnh viện phải thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác thông tin đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, y bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa MERS-CoV, thực hiện cách ly, tổ chức phân luồng và khám bệnh hợp lý, đặc biệt đối với các trường hợp viêm đường hô hấp và có yếu tố dịch tễ liên quan đến MERS-CoV. Các đơn vị chức năng, cơ sở điều trị tổ chức tập huấn chuyên sâu với các nội dung chi tiết về hướng dẫn giám sát, điều trị, phòng chống nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm cho cán bộ y tế..., đảm bảo 100% các cán bộ y tế thực hiện tốt việc kiểm soát, phòng chống bệnh hữu hiệu ngay tại cơ sở.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu các địa phương cần phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, công trường xây dựng tăng cường tuyên truyền đối với công dân Hàn Quốc và các nước vùng Trung Đông đang lao động, làm việc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh MERS-CoV thông qua các hoạt động tổ chức công đoàn cơ sở, các cuộc họp chuyên đề, chương trình phát thanh, tờ rơi, áp phích. Yêu cầu những người trở về từ vùng dịch bệnh phải chủ động khai báo y tế tại cửa khẩu và tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu xuất hiện các dấu hiệu ho, sốt, viêm đường hô hấp phải thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc số điện thoại đường dây nóng.

 Mỹ, Trung Quốc phát triển kháng thể MERS-CoV

Theo thông báo ngày 15-6 của Đại học Phúc Đán của Trung Quốc, các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác phát triển thành công một loại kháng thể mới điều trị Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV), hiện đã cướp đi sinh mạng 16 người và làm hơn 150 người khác phải nhập viện tại Hàn Quốc. Các nhà khoa học cho biết kháng thể m336 đã cho hiệu quả khi thử nghiệm trên động vật, có thể trung hòa virus MERS-CoV hiệu quả hơn các loại kháng thể khác, đồng thời kêu gọi sớm tiến hành thử nghiệm trong điều trị.

Tính đến ngày 15-6, số người bị cách ly vì nghi nhiễm MERS-CoV tại Hàn Quốc là 5.216 người, trong khi khoảng 2.500 người không còn phải cách ly do đã vượt qua 14 ngày - thời gian ủ bệnh tối đa của MERS-CoV mà không có triệu chứng nào của bệnh. Cùng ngày, hàng ngàn trường học ở Hàn Quốc vốn phải đóng cửa do lo ngại sự lây lan của dịch MERS-CoV đã mở cửa trở lại. 

Trong một diễn biến khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị tổ chức một cuộc họp khẩn vào hôm nay 16-6 với sự tham gia của các chuyên gia y tế quốc tế từ các nước thành viên WHO để cập nhật kỹ thuật dịch tễ học và đưa ra các khuyến cáo về những hành động cần được triển khai trong tương lai để đáp ứng với tình hình dịch bệnh.


Hạ̣nh Xuân - Quốc Khánh


KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục