Học sinh khám bệnh quên mang thẻ BHYT, vẫn được thanh toán

NGUYỄN THỊ YÊN KHUÊ, TPHCM
Học sinh khám bệnh quên mang thẻ BHYT, vẫn được thanh toán

° Tôi là sinh viên năm cuối, sẽ ra trường vào giữa năm 2017, vậy có phải mua bảo hiểm y tế (BHYT) học đường trọn năm 2017 không? (NGUYỄN THỊ YÊN KHUÊ, TPHCM)

° Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Thời hạn sử dụng thẻ BHYT học sinh, sinh viên được tính theo năm tài chính (từ tháng 1 đến hết tháng 12). Đối với sinh viên năm cuối, cấp thẻ BHYT từ ngày 1-1-2017 đến 30-9-2017 hoặc đến ngày cuối cùng của tháng học hoặc khóa học.

° Thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu? Tôi mua BHYT 3 tháng có được không, sau bao lâu thì có thẻ? (HỒ THÚY LAN, quận Bình Thạnh)

° Mức đóng hiện nay bằng 4,5% mức lương cơ sở nhân với số tháng tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ BHYT. Với thẻ BHYT học sinh, sinh viên, Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; học sinh, sinh viên đóng 70%. Các em có thể đóng cả năm học 12 tháng hoặc 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng. Trường hợp tham gia lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên, thì thẻ BHYT có thời hạn sử dụng sau 30 ngày kể ngày nhà trường nộp tiền BHYT.

Cũng xin lưu ý thêm, học sinh, sinh viên nào chưa có thẻ năm 2016 thì đóng từ ngày 1-10-2016 đến 31-12-2017. Với học sinh, sinh viên có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng khác (thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ; thân nhân công an nhân dân, nghèo, cận nghèo…), nếu hết giá trị sử dụng ghi trên thẻ và không tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác, thì tham gia BHYT theo nhóm học sinh, sinh viên ngay từ tháng tiếp theo, đến hết thời hạn chung của nhà trường.

° Cháu nhà tôi vừa chuyển trường. Tôi muốn chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu cho cháu ở gần nhà, tôi cần phải làm gì? (TRẦN TIẾN BÌNH, huyện Nhà Bè)

° Học sinh, sinh viên được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các bệnh viện đa khoa khu vực; các bệnh viện quận, huyện; các phòng khám đa khoa tư nhân; các trạm y tế xã phường và các bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng dẫn của cơ quan BHXH. Ông có thể truy cập vào trang web bhxhtphcm.gov.vn để chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu phù hợp. Về việc thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, ông cần liên hệ với BHXH quận, huyện vào đầu mỗi quý (từ ngày 1 đến ngày 10 tháng đầu quý).

Hiện nay, BHYT đã thông tuyến quận, huyện trong khắp cả nước nên thẻ BHYT của con ông khám, chữa bệnh tại bất kỳ bệnh viện quận, huyện nào trong phạm vi cả nước đều được giải quyết BHYT đúng tuyến.

Học sinh khám bệnh quên mang thẻ BHYT, vẫn được thanh toán. Ảnh: Tr.Thu

° Hôm rồi tôi đưa con đi khám bệnh nhưng lại quên mang thẻ BHYT. Vậy con tôi có được Quỹ BHYT thanh toán lại tiền khám bệnh hay không? Mức hưởng cụ thể của thẻ BHYT học sinh, sinh viên? (NGUYỄN LÊ NGUYÊN, TPHCM)

° Để thuận lợi khi đi khám chữa bệnh, học sinh, sinh viên cần xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh (gồm thẻ học sinh/sinh viên có ảnh hoặc CMND). Riêng các trường hợp học sinh, sinh viên khi đi khám chữa bệnh không trình thẻ BHYT, chưa được hưởng BHYT thì cần liên hệ BHXH quận, huyện để được thanh toán theo mức quy định.

Khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng quy định (đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; khám chữa tại các bệnh viện tuyến huyện; cấp cứu, được chuyển tuyến) thì được thanh toán 100% chi phí nếu một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 181.500 đồng và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã; 100% chi phí khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (7.260.000 đồng), trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến. Các trường hợp khác được thanh toán 80%, riêng dịch vụ kỹ thuật cao được thanh toán không quá 40 tháng lương cơ sở (48,4 triệu đồng).

Trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến, hoặc không trình thẻ BHYT thanh toán theo tỷ lệ: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% chi phí nội trú với tuyến tỉnh và 100% chi phí tại tuyến huyện.

Trường hợp khám chữa bệnh tại nơi không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, được thanh toán cho 1 đợt điều trị không vượt quá mức 60.000 đồng/lần (ngoại trú) tại cơ sở y tế tuyến huyện; 500.000 đồng/lần (nội trú) tại cơ sở y tế tuyến huyện, 1,2 triệu đồng/lần tại tuyến tỉnh và 3,6 triệu đồng/lần ở tuyến trung ương.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, P5, Q3, TPHCM; hoặc điện thoại 091.444.6618, email: duongloan@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục