Dự án y tế án binh bất động

Dân không có đất nhưng dự án cứ… treo!
Dự án y tế án binh bất động

So với các sở ngành khác, ngành y tế TPHCM đang là một trong những chủ đầu tư của nhiều dự án nhất. Tại buổi làm việc của HĐND TP về nguồn vốn ngân sách đầu tư cho y tế thành phố vừa diễn ra cho thấy hiện có hơn 80 dự án y tế từ nhỏ đến to, với số vốn khái toán lên tới gần 30.000 tỷ đồng. Điều đáng nói đã có dự án ghi vốn gần cả chục năm nay, có dự án “treo” vô thời hạn.

Dân không có đất nhưng dự án cứ… treo!

Dẫn đầu là dự án Viện - Trường Y khoa (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi). Là dự án “trọng điểm” được TP cho chủ trương từ những năm 2001-2002 và phê duyệt từ năm 2007 với diện tích gần 100ha, nhằm mục tiêu xây dựng một mô hình mới của ngành y tế TPHCM, gắn kết giữa đào tạo với khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng Viện - Trường Y khoa đến nay chỉ là một cánh đồng um tùm cỏ mọc, thả trâu. Theo dự án, trong giai đoạn 1 đến năm 2010, sẽ xây dựng một bệnh viện (BV) đa khoa 1.000 giường và trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi; giai đoạn 2 (2010-2015), xây dựng thêm các BV chuyên khoa với 2.000 giường bệnh. Ngay từ những ngày đầu duyệt chủ trương, Sở Y tế TPHCM đã nhiều lần hạ quyết tâm triển khai dự án.

Vậy nhưng, đến nay đã qua 4 đời giám đốc sở, dự án vẫn im lìm! Nói như ông Nguyễn Văn Lâm, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM: “Dự án đã lên phèn rồi, nên xóa thôi, chứ dân không có đất canh tác mà cứ treo hoài”. Tương tự là các dự án quy hoạch BV cửa ngõ thành phố, đã chục năm nay các dự án vẫn… án binh bất động. Với 5 dự án xây dựng 5 BV cửa ngõ, ngành y tế TP đặt mục tiêu tăng thêm 4.500 giường bệnh có chất lượng kỹ thuật cao.  Đó là các BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh mỗi BV có quy mô 1.000 giường; BV Quận 7 với quy mô 500 giường. Tổng kinh phí đầu tư cho 5 dự án được đưa ra vào năm 2008 là khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng, nhưng với sự chậm chạp như hiện nay, sự trượt giá đã tăng lên gấp vài lần… Báo cáo với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói đã cố gắng lắm rồi nhưng chưa khởi công được BV cửa ngõ nào. BV đa khoa cửa ngõ Hóc Môn thì đền bù, san lấp chưa xong. BV cửa ngõ Thủ Đức có đất sạch rồi, thi tuyển thiết kế rồi cũng “chịu chết”!

Cùng với các dự án “rùa” trên có thể điểm mặt thêm một số dự án y tế trọng điểm khác cũng đang “hứa thật nhiều mà thất hứa cũng thật nhiều” như dự án BV Ung bướu (cơ sở 2, ở quận 9); BV Chấn thương chỉnh hình mới (huyện Bình Chánh); dự án Trung tâm Y tế dự phòng mới (quận 8)… Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình Sở Y tế TPHCM (gọi tắt là Ban quản lý) hiện có hơn 50 dự án xây mới đang ì ạch… bò!

Quá tải khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM

Có tiền mà không được làm chủ đầu tư

Trong khi đó, danh sách những dự án nâng cấp, cải tạo các cơ sở y tế, BV hiện hữu cũng dài vài trang giấy. Có những dự án đã hơn chục năm nay chưa khởi công được. Ví dụ như dự án nâng cấp, xây mới BV Cấp cứu Trưng Vương đã trình lên trình xuống, sửa tới sửa lui nhưng vẫn chưa được ghi vốn. Theo BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV, thì dự án có tổng tiền đầu tư 430 tỷ đồng, trong đó tiền ngân sách 330 tỷ đồng, tiền vay kích cầu 100 tỷ đồng. Điều đáng nói, có những dự án nâng cấp, cải tạo mà các BV chủ động được nguồn vốn cũng chưa thể triển khai được do vướng mắc các thủ tục về quy hoạch kiến trúc, xây dựng. Một số dự án BV có sẵn tiền cũng phải chờ đợi “xin” cơ chế vì không được làm chủ đầu tư mà phải giao về Ban quản lý. Chẳng hạn BV Phụ sản Từ Dũ có dự án nâng cấp, xây thêm khu mới với tổng tiền 400 tỷ đồng. Trong đó, nguồn tiền từ quỹ phát triển sự nghiệp, vay kích cầu đã có 300 tỷ đồng, chỉ còn 100 tỷ đồng bố trí ngân sách. BV Phụ sản Hùng Vương xin nâng cấp khu hành chính với tổng tiền 360 tỷ đồng cũng đã có sẵn 70 tỷ đồng từ quỹ phát triển sự nghiệp, 90 tỷ đồng vốn vay kích cầu… 

 

Chưa lúc nào như thời điểm hiện nay, ngành y tế TPHCM có tới vài chục dự án lớn - nhỏ, trong đó tập trung nhiều vào lĩnh vực xây dựng cơ bản. Có những dự án đã “mọc rễ” từ chục năm nay nhưng vẫn chưa hẹn được ngày khởi công. Trong khi hàng chục hécta đất nông nghiệp ở Bình Chánh, Củ Chi quy hoạch để “treo”, còn dân thì không có đất nên phải… treo cày, treo cuốc!

 

Theo Phó Giám đốc Huỳnh Văn Biết, dự án y tế quá nhiều, Ban quản lý quá tải. Có dự án trước đây bệnh viện làm chủ đầu tư, sau đó chuyển về Ban Quản lý tiếp nhận nên hồ sơ, thủ tục làm lại. “Ban Quản lý chỉ xin làm chủ đầu tư các dự án trọng điểm, còn các dự án khác giao về bệnh viện làm chủ đầu tư”, ông Biết kiến nghị. Ông Huỳnh Công Hùng, Thường trực HĐND TP, cũng thừa nhận Ban quản lý của Sở Y tế kham không nổi dự án, mà giao cho các BV thì không có chuyên môn về đầu tư, xây dựng. “Những BV quận huyện có dự án để họ làm chủ đầu tư. Dự án nào vay vốn kích cầu, xã hội hóa cũng cho BV làm chủ đầu tư. Ban quản lý của Sở Y tế tham gia tư vấn, giám sát, hỗ trợ. Có vậy mới nhanh được”, ông Hùng đề xuất. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng nếu dự án nào BV không làm chủ đầu tư được thì giao Ban quản lý. Còn BV nào làm chủ đầu tư được thì làm. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị cho chủ trương chỉ định đấu thầu chứ quy trình đấu thầu rất rườm rà, dự án tiếp tục chậm!


TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục