Phụ nữ mang thai cần cảnh giác cao virus Zika

Ngày 5-4, Bộ Y tế đã chính thức thông báo Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp mắc virus Zika ở Khánh Hòa và TP. HCM.
Phụ nữ mang thai cần cảnh giác cao virus Zika

>>Phát hiện 2 trường hợp nhiễm virus Zika tại Khánh Hòa và TPHCM

(SGGPO). – Ngày 5-4, Bộ Y tế đã chính thức thông báo Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp mắc virus Zika ở Khánh Hòa và TP. HCM.

Đáng chú ý, trong số 2 ca mắc virus Zika, có một phụ nữ 33 tuổi ở TPHCM đang mang thai 8 tuần. Trước mối liên quan giữa virus Zika và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sinh khiến cho người dân, các phụ nữ đang mang thai vô cùng lo lắng. Để làm rõ hơn các biện pháp phòng ngừa virus Zika, đặc biệt là đối với phụ nữa mang thai, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia y tế trong và ngoài nước.

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh do virus Zika gây ra tại Việt Nam?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi cho rằng nguy cơ lây lan dịch bệnh do virus Zika ở nước ta, nhất là tại những địa phương đã ghi nhận có trường hợp mắc virrus Zika rất là cao. Bởi lẽ chúng ta đã có bệnh nhân mắc Zika ở trong nước, cùng với đó véc tơ truyền bệnh Zika là loại muỗi vằn đang lưu hành tại nước ta và đây cũng là muỗi truyền sốt xuất huyết. Trong khi Việt Nam nằm trong vành đai của việc lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết quanh năm nên nguy cơ dịch bùng phát, lan rộng là rất lớn.

Do hiện nay, biện pháp phòng chống dịch bệnh Zika đặc hiệu nhất cũng giống với biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, đó là phải diệt muỗi và loăng quăng nhưng để đạt được hiệu quả đòi hỏi phải sự tham gia mạnh mẽ của người dân và toàn cộng đồng xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

- Hiện nay người dân, nhất là phụ nữ đang rất lo lắng về nguy cơ trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ khi sản phụ bị nhiễm virus Zika. Ngành Y tế có khuyến cáo gì?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không phải cứ mắc virus Zika là mắc chứng đầu nhỏ. Chỉ những bà mẹ mang thai ba tháng đầu ở vùng có dịch, có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus Zika mới đến các cơ sở làm xét nghiệm. Hơn nữa, hầu hết các trường mắc Zika đều trong tình trạng bệnh nhẹ  có tới 80% là có triệu chứng nhẹ, tự khỏi nên Bộ Y tế không khuyến cáo không hạn chế việc đi lại giữa các vùng có dịch. Tuy nhiên trừ trường hợp phụ nữ có thai thì nên hạn chế đi đến vùng có ổ dịch.

- Ông có thể cho biết nguy cơ xảy ra hội chứng đầu nhỏ đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika?

PGS.TS Trần Danh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Thực tế qua các nghiên cứu cho thấy, hội chứng đầu nhỏ không phổ biến trong sản khoa. Trong hội chứng đầu nhỏ có khoảng 20% không tìm được nguyên nhân. Còn các nguyên nhân khác gây hội chứng này gồm: nhiễm trùng (trong đó có rubella), đột biến nhiễm sắc thể về gene, nhiễm độc do chiếu xạ, hóa chất. Mới đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có nhiều nghiên cứu chứng minh sự liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ và virus Zika. Tuy nhiên việc chứng minh nó là nguyên nhân thực sự của hội chứng đầu nhỏ hay không thì chưa được khẳng định.

Đề phát hiện thai nhi có bị chứng đầu nhỏ hay không thì hiện nay kỹ thuật của ngành sản khoa Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Theo đó, việc sàng lọc và chẩn đoán bằng chứng hội chứng não bé hiện nay hữu hiệu nhất là đo kích thước đầu thai nhi khi siêu âm thai. Khi đo và nghi ngờ mắc hội chứng đầu nhỏ, các bác sĩ sẽ so sánh với chuẩn chu vi đầu theo tuổi thai, từ đó sẽ phát hiện tốc độ phát triển của chu vi đầu.

PGS.TS Trần Danh Cường

- Sản phụ bị nhiễm virus Zika thì nguy cơ thai nhi bị hội chứng đầu nhỏ là bao nhiêu?

PGS.TS Trần Danh Cường: Đây là bệnh hiếm gặp, đến nay cũng chỉ mới nghi ngờ sự liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ và bà mẹ mang thai nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, virus Zika lại truyền qua muỗi vằn là loại muỗi truyền sốt xuất huyết, ở nước ta lại là nước có muỗi rất nhiều nên việc phòng và phát hiện hội chứng đầu bé ở phụ nữ mắc virus Zika là rất cần thiết.

- Nếu phát hiện sự liên quan giữa virus Zika mà bà mẹ mắc phải và hội chứng đầu nhỏ của thai nhi,  phải xử trí như thế nào?

PGS.TS Trần Danh Cường: Di chứng của hội chứng đầu bé rất nặng nề về thần kinh, vận động, phát triển của em bé. Việc đình chỉ thai nghén hay không còn tùy theo tôn giáo. Khi đã khẳng định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do bất kỳ nguyên nhân gì thì đều được khuyến cáo là nên dừng thai nghén. Việc ngừng thai nghén tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần thai thì việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ, nhưng nếu muộn hơn 32 tuần thì việc ngừng là khó khăn.

Tuy nhiên, người dân không nên lo lắng quá mức về hội chứng não nhỏ. Tới thời điểm hiện tại, Brazil là nước đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc chứng bệnh này thì trong hơn 6.776 ca mắc bệnh đầu nhỏ thì chỉ có hơn 900 trường hợp nghi có nhiễm virus Zika. Tức là không phải các trường hợp mắc virus Zika đều liên quan đến hội chứng não nhỏ. Hiện WHO vẫn đang nghiên cứu để tìm ra những biện pháp xác thực mà cho rằng có nguy cơ, mối tương quan lớn của não nhỏ tới Zika.

- WHO đã xác định có mối liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh với sản phụ bị Zika. Vậy ông có khuyến cáo gì?

TS Masaya Kato, Điều phối viên nhóm Các bệnh truyền nhiễm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: Các triệu chứng bệnh của Zika có thể tự khỏi, 80% không có biểu hiện triệu chứng, do đó người dân không nên quá lo lắng khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên vấn đề đáng lo lắng là nguy cơ mắc hội chứng đầu nhỏ với thai nhi, do đó khuyến cáo cần giáo dục cho phụ nữ mang thai và phụ nữ có kế hoạch mang thai thận trọng trong dự phòng muỗi cắn, nếu không thực sự cần thiết, không nên đến khu vực lưu hành đồng thời tiếp tục giám sát và lấy mẫu để phát hiện thêm những ca mới.

TS Masaya Kato

Khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng ngừa virus Zika với phụ nữ:

1. Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika và khám thai định kỳ.

2. Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết

3. Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.

4. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện virus Zika.

5. Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai.

6. Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền virus

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục