Ì ạch xây mới Bệnh viện quận 7

Với một địa bàn đông đúc dân cư, nhất là lực lượng dân nhập cư vốn làm công nhân tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, nhu cầu khám chữa bệnh trên địa bàn quận 7 rất lớn. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, Bệnh viện (BV) quận 7, nơi người dân địa phương “gửi gắm” sức khỏe lại xập xệ, xuống cấp, “nắng cháy mặt, mưa ngập gối”. Trong khi, dự án xây mới BV đã được quy hoạch từ chục năm nay vẫn còn… nằm trên giấy!
Ì ạch xây mới Bệnh viện quận 7

Với một địa bàn đông đúc dân cư, nhất là lực lượng dân nhập cư vốn làm công nhân tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, nhu cầu khám chữa bệnh trên địa bàn quận 7 rất lớn. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, Bệnh viện (BV) quận 7, nơi người dân địa phương “gửi gắm” sức khỏe lại xập xệ, xuống cấp, “nắng cháy mặt, mưa ngập gối”. Trong khi, dự án xây mới BV đã được quy hoạch từ chục năm nay vẫn còn… nằm trên giấy!

Cơ ngơi xuống cấp của Bệnh viện quận 7

Vừa mổ vừa chạy… lũ

Nằm trên trục đường chính Nguyễn Thị Thập, nhìn từ phía đường vào, cả khuôn viên BV quận 7 như một vùng trũng do thấp hơn mặt đường tới cả mét. “Sau khi làm đường Nguyễn Thị Thập xong thì BV như cái ao, hễ có mưa thì lênh láng nước”, một nhân viên bán nhà thuốc trước cổng BV cho biết. Với thiết kế một trệt, một lầu từ cách nay đã lâu, BV quận 7 hiện xuống cấp khá nghiêm trọng. Từ hành lang khu khám bệnh, những bức tường đã tróc lở, mạng điện nhằng nhịt như chực chờ muốn rơi trúng đầu. “Mỗi lần đến đây khám mà tui hồi hộp còn hơn sợ bị bệnh. Khu vực ngồi chờ khám thì ẩm thấp, chật chội, nóng nực. Còn đi vô mấy khoa bệnh thì cũ kỹ, nhìn cái gì cũng như muốn rớt”, một bệnh nhân diện bảo hiểm y tế nói. Với quy mô 150 giường, nhưng thực tế ghi nhận cho thấy công suất ít khi dùng hết. “Qua các BV quận huyện khác thấy lúc nào bệnh nhân cũng quá tải, không có giường nằm. Nhìn mà phát ham! Còn BV mình thì giường để không trống lốc”, một điều dưỡng ngán ngẫm nói.

Theo phản ánh của y bác sĩ BV quận 7, từ nhiều năm qua cán bộ lẫn bệnh nhân nơi đây đã chịu cảnh xuống cấp của BV Đặc biệt vào mùa mưa, triều cường là trên mái thấm dột, dưới nền nước ngập. Một bác sĩ cho biết vào mùa mưa, có lúc phải đội nón, mặc áo mưa khám bệnh. Hoặc ngay trong các phòng mổ, bác sĩ phải mang ủng để đứng mổ, thậm chí có khi nước ngập gần tới bàn mổ phải kê bàn mổ cao lên…Chưa kể hệ thống mạng điện đã xuống cấp, “rơi rụng” lung tung nên đã không ít lần đột ngột mất điện, cả ngay trong lúc mổ cũng có khi mất điện… không báo trước! Không chỉ khu vực khám, điều trị, ngay cả khu vực hành chính dành cho cán bộ quản lý cũng chẳng khác gì một dãy nhà trọ, nói “hoa mỹ” hơn như cách nói của bác sĩ Trần Dư Đông, Giám đốc BV quận 7, là dãy nhà tập thể! Trong một buổi làm việc với BV quận 7 mới đây, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, không khỏi ngao ngán khi chứng kiến “cơ ngơi” xập xệ của BV quận 7. “Địa bàn dân đông, nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn mà một BV nắng cháy mặt, mưa ngập gối như vậy thì làm sao đáp ứng được”, bà Nhung quan ngại.

Ngay đội ngũ y bác sĩ cũng yếu và thiếu, nhiều năm qua không thu hút được bác sĩ về làm việc. “Nhân sự chuyên môn khó tuyển dụng, khó thu hút và giữ chân”, bác sĩ Trần Dư Đông, Giám đốc BV quận 7, trần tình. Thậm chí còn thiếu bác sĩ chuyên môn về gây mê hồi sức, nhi, sản, chẩn đoán hình ảnh.

Chờ… xây!

Trong khi hầu hết các BV quận - huyện hiện nay của TPHCM đã là hạng 2, có BV đã lên hạng 1, thì BV quận 7 vẫn lẹt đẹt ở hạng 3 với các kỹ thuật chuyên môn cơ bản. Do vậy, mặc dù một số BV quận đã tiến tới tự chủ một phần và tự chủ hoàn toàn, riêng BV quận 7 hàng năm vẫn ngậm “bầu sữa” ngân sách. Kiến nghị với cơ quan quản lý mới đây, bác sĩ Trần Dư Đông đề nghị cần sớm được quan tâm xây dựng BV mới đúng tiến độ, còn trước mắt giải quyết việc sửa chữa hệ thống điện; mua sắm thay trang thiết bị đã xuống cấp và hư hỏng; phân công bác sĩ tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về công tác…

Thực tế, việc chậm trễ trong dự án xây dựng mới BV quận 7 đã dẫn đến những hệ lụy về chất lượng khám chữa bệnh. Lý giải về việc chậm trễ dự án xây mới BV, ông Trần Minh Điện, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 7, cho rằng do vướng mắc chuyển đổi từ chủ đầu tư là BV sang chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình của quận. “Trước đây, dự án thiết kế chưa bao gồm phần trang thiết bị nên phải bổ sung. Một số vật tư thiết bị lại không đồng bộ nên điều chỉnh tăng mức đầu tư”, ông Điện phân trần. Theo ông Điện thì hiện dự án đang được xúc tiến giai đoạn 1 với mức đầu tư 162 tỷ đồng, đã chọn được đơn vị thẩm tra thiết kế và dự kiến khởi công vào quý 4-2016. Còn ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, thừa nhận cơ sở vật chất BV quận 7 đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Hùng cho biết đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan rốt ráo triển khai các bước để sớm khởi công dự án xây mới vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, trước mắt, để đảm bảo điều kiện khám, điều trị, ông Hùng nói đã cho tiến hành cải tạo, nâng cấp một số hạng mục của BV như nâng cao các phòng mổ, đi lại mạng lưới điện, mua sắm thêm một xe cấp cứu… Đặc biệt, để chống ngập khi mùa mưa đang đến, UBND quận 7 đã trích kinh phí làm hồ điều tiết ngay trong khuôn viên BV quận.

Theo Chương trình công tác năm 2016 của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 7, BV quận 7 đã được ghi vốn và nằm trong danh mục các công trình được triển khai trong quý 4 năm nay. Tuy nhiên, hiện nay hồ sơ thẩm tra thiết kế cũng như quy trình đấu thầu chưa được thực hiện. Xem ra, dự án xây mới BV quận 7 vẫn còn phải… chờ!

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục