Sau 2 vụ tai nạn tôn lợp cứa vào cổ: Hướng dẫn cách sơ cứu

Chiều 26-9, Bệnh viện Bạch Mai đã cuộc gặp gỡ báo chí tổ chức hướng dẫn sơ cứu vết cắt, đứt mạch máu nhằm tuyên truyền tới cộng đồng sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ chết người do tai nạn tôn lợp nhà cứa vào cổ.
Sau 2 vụ tai nạn tôn lợp cứa vào cổ: Hướng dẫn cách sơ cứu

(SGGPO).- Chiều 26-9, Bệnh viện Bạch Mai đã cuộc gặp gỡ báo chí tổ chức hướng dẫn sơ cứu vết cắt, đứt mạch máu nhằm tuyên truyền tới cộng đồng sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ chết người do tai nạn tôn lợp nhà cứa vào cổ.

Tại buổi hướng dẫn sơ cứu, TS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị tim mạch Bệnh viện Bạch Mai, là bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật tim và xử trí hàng chục nghìn ca cấp cứu mạch máu nêu rõ, các trường hợp bị rách, đứt mạch máu ở tay và cổ là vị trí rất dễ dẫn đến mất máu cấp. Vì thế khi xảy ra trường hợp hợp bị rách, hay đứt mạch máu tay, cổ thì phải tiến hành sơ cứu cầm máu nhanh nhất có thể để tránh tình trạng chảy máu ồ ạt, dẫn tới cơ thể mất máu cấp. Việc sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời ngay tại hiện trường vụ tai nạn, trước khi chuyển bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu là rất quan trọng để tránh những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong đối với bệnh nhân.

TS Dương Đức Hùng hướng dẫn sơ cứu trong trường hợp bị rách, đứt mạch máu ở vùng cổ

Theo TS Hùng, khi tiến hành sơ cứu phải tuân theo nguyên tắc cơ bản sơ cứu vết thương mạch máu đó là phải băng ép có trọng điểm vết thương. Trước tiên, người sơ cứu có thể dùng những vật dụng hiện có như gạc, khăn tay hay miếng vải rồi cuộn lại đặt lên vết thương và băng ép lên vết thương, có thể dùng cánh tay hay bàn tay bên đối diện hoặc thanh gỗ đặt phía bên cổ đối diện để làm thanh tựa cố định băng ép mà không làm ngạt nạn nhân. Cách đơn giản và thuận tiện nhất là cách băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân. Sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.

Chuyên gia y tế Dương Đức Hùng khuyến cáo, trong các trường hợp bị rách, đứt mạch máu tay và cổ thì có thể dùng các vật liệu sơ cứu đơn giản nhất, như: băng gạt, bông, cành cây, bút bi, vải, áo... “ Chẳng hạn như ở cánh tay, dùng băng gạc, nếu không có thể lấy lấy vải buộc chặt tay, rồi dùng một cành cây hoặc cây bút siết chặt để mạch máu không chảy ra. Băng bằng tất cả vật liệu phải chặt, đến khi máu không chảy thì chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất... Đây là cách sơ cứu cần phải làm tại chỗ bằng bất cứ vật liệu nào mà chúng ta có được, để máu không chảy ra...”- TS Hùng nhấn mạnh.

Trưởng đơn vị tim mạch Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, cơ thể chúng ta có khoảng 4,5 lít máu, mỗi lần tim co bóp ra 50-60ml máu, chỉ trong một vài phút nếu không cầm máu kịp sẽ dẫn đến mất máu cấp. Nếu thể tích máu bị mất ngay một lúc trên 50% thể tích máu thì cơ thể sẽ rơi vào sốc mất máu không hồi phục. Như vậy, dù kể cả trong trường hợp tai nạn xảy ra gần bệnh viện thì bác sĩ cũng rất khó có thể cứu sống được nếu nạn nhân không được sơ cứu ban đầu kịp thời và đúng cách.


MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục