Ðưa phong trào Di sản thế giới Saemaul vào 8 làng nông thôn mới

Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong (thuộc Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) phối hợp với Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul và Văn phòng Ðiều phối trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vừa tổ chức Hội thảo quốc tế Saemaul 2017.

Tại hội thảo, các nước tham dự như Sri Lanka, Lào và Campuchia đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các chiến lược phát triển làng mới Saemaul, để có thể áp dụng vào việc xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.

Phong trào làng mới Saemaul Undong là chương trình phát triển nông thôn thành công, được xây dựng trên các giá trị cốt lõi là cần cù - tự giác - hợp tác của Hàn Quốc. Từ đó, người dân có tinh thần tự nguyện, nhận thức về phát triển cộng đồng phải dựa vào nỗ lực của tập thể.

Trong thời gian ngắn, phong trào đã giúp cho thu nhập của người dân ở vùng nông thôn tăng trưởng nhanh, có lúc cao hơn cả khu vực thành thị, nên đã làm khởi sắc khu vực kinh tế nông nghiệp ở Hàn Quốc. Phong trào này đã được Liên hiệp quốc vinh danh là Di sản thế giới.

Thái Nguyên là tỉnh được thí điểm làng mới Saemaul vào năm 2005. Hiện mô hình làng mới Saemaul đã và đang triển khai tại 8 làng thuộc 5 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Huế, Ninh Thuận và Hậu Giang.

Thời gian qua, Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong đã góp phần trong việc nâng cao năng lực của người dân ở các làng thí điểm Saemaul tại Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Ðược biết, Việt Nam là một trong 14 quốc gia xây dựng mô hình làng Saemaul.

Tin cùng chuyên mục